nhìn Thìn: "Bác Thìn, bọn mình biết nhau rồi". Lời cửa miệng là lời khó
sửa. Mà cũng chẳng việc gì phải sửa. Từ ấy, Cải vẫn gọi Thìn là bác, như
mấy cô cậu trong cơ quan quen gọi những người nhiều tuổi hơn bằng chú
bác. Nghe có vẻ gia đình, nhưng nhiều khi lại lấy thế làm dễ chịu. Thìn xác
nhận lời Cải hỏi, rồi nói thêm:
- Ông ấy đang có nỗi bức xúc trong lòng, vì cậu con trai bị kỷ luật.
Khó thế đấy. Không nghiêm thì bảo hữu khuynh. Nghiêm thì kẻ trách
người oán. Biết thế nào cho vừa.
Thìn nói mà như hỏi, nhưng Cải cũng chỉ lẳng lặng nghe, để đấy, chứ
chưa biết gì mà nói, chưa hiểu gì mà thưa. Nhưng trong lòng lại thấy man
mác một nỗi buồn rất vô cớ.
Ngay chủ nhật ấy, Cải không về nhà giúp vợ con việc gì, dù quê anh ở
cuối Huyện, đất trồng màu bận quanh năm; hơn nữa, giờ lại đang kỳ thu hái
dưa chuột, rỡ khoai lang lấy đất gieo mạ, bận tối ngày. Nhưng ngay từ khi
nhận quyết định về Huyện, Cải đã nói với vợ con, mình về gần nhưng
không có nghĩa được ở nhà giúp mẹ con nhiều việc hơn trước đâu, mà chỉ
làm tội mẹ con bận rộn nước nôi, khách khứa nhiều hơn đấy. Nha, vợ Cải,
quen xa chồng từ khi cắp nón về làm dâu, nghe nói thế chỉ bấm bụng cười
thầm, dễ bao nhiêu năm anh đi xa, việc nhà việc đồng đây bỏ hết cả chắc.
Còn bận rộn thì chả ngại. Càng bận càng vui. Còn gì vui hơn với một người
vợ khi chồng luôn luôn có khách khứa, bạn hữu đến nhà. Nên ngày nghỉ
dẫu Cải về hay không, cũng chưa khi nào Nha căn vặn, sao anh về Huyện
rồi mà vẫn cứ đi biền biệt thế.
Giữ lời hẹn với ông Mải, chủ nhật Cải đạp xe xuống Tiên Trung.
Tháng tư, nắng gió Lào vừa khô vừa nóng. Trên cánh đồng lúa hai bên
đường từ Huyện lỵ xuống Tiên Trung thấy lốm đốm chỗ chín vàng, chỗ
đang vào gạo, chỗ mới trổ bông lơ phơ như cờ lông công. Cái màu lúa trỗ
thế nào thì những cây lúa trên một đám ruộng cũng thế. Trông cả đám, cả
ruộng thỉnh thoảng lại thấy nhô mấy cây, mấy khóm chỏng chơ lên trời,