nào cũng chờ. Nên em không thể... Em thành thật xin lỗi!". Cải nghe từng
tiếng nói nhỏ nhẹ của Phượng, lòng không mảy may giận hờn, chỉ thấy dào
lên tình cảm quý mến, trân trọng và một nỗi tẽn tò, thèn thẹn...
Điều không may cho cái đêm tránh mưa trong chiếc lều người coi
đồng ấy, là hôm sau Phượng bị cảm sốt cao, phải đưa lên Bệnh viện Huyện
nằm điều trị mất nửa tháng. Những gì diễn ra trong đêm đó thì không ai
biết. Nhưng điều ai cũng biết, là do gặp trận mưa bất chợt ngang đường,
ướt như chuột lụt, kéo dài hàng mâý tiếng đồng hồ giữa đồng không mông
quạnh, mà chị Chủ tịch Xã bị cảm sốt thương hàn, có lúc lên tới 40 độ C.
Cũng lại điều không may nữa, là tối hôm sau đơn vị pháo cao xạ của Cải
được lệnh di chuyển sang Huyện khác, cách sông cách đò đến mấy tháng
không quay lại. Việc đó trong thời chiến cũng chẳng có gì khó hiểu. Nhưng
lại trở nên khó hiểu, khi một vài người vốn đã ghen ăn ghét ở với chị Chủ
tịch Uỷ ban mới tý tuổi đầu mà nghiêm quá thể, liền gắn ngay cái việc hai
người chạy mưa vào chiếc lều con giữa đồng không mông quạnh, đêm hôm
khuya khoắt để suy diễn, loạn bàn về cái sự lửa gần rơm có trời mà biết.
Khi Cải một lần về Huyện xác minh lý lịch kết nạp đảng cho một chiến sĩ
trong đơn vị, tranh thủ đạp xe xuống nhà thăm, Phượng giữ lại ăn cơm,
nhưng Cải chối đây đẩy rằng phải về Huyện đội vì đã có hẹn, thì Phượng
mới nói: "Anh quên cái đêm mưa gió ấy đi và nếu không có công việc gì thì
cũng không nên gặp em nữa. Còn em, thành thật xin lỗi anh và cảm ơn anh
rất nhiều". Cải hiểu, đó là lời nói thật lòng của một cô gái chan chứa yêu
thương và giàu nghị lực, nhưng ở vào hoàn cảnh như thế, cũng khó có cách
xử sự nào hơn.
Cải vừa đạp xe chầm chậm trên con đường về thăm ông Mải, vừa như
lần giở lại những thước phim tự mình quay, tự mình cất biến từ ngày nảo
ngày nào, giờ mới có dịp mang ra lướt qua, chứ cũng chưa có thể dừng lại
ngắm nghía lâu hơn nữa...
o O o