- Thì chính ông Chủ tịch Thuật đọc tên từng nhà chứ còn ai. Hai mẹ
con xe lợn ra từ sớm, chả biết thế nào lại không có tên trong danh sách,
không được phát tích kê. Sau con bé nó sấn lại chỗ đọc tên, giằng được tờ
giấy ở tay ông Thuật. Thế là thằng Bính, cháu ông ấy, mới vội chạy ra bảo
nó đưa trả danh sách và mang lợn vào cân, không thì còn chờ đến mục thất.
Tôi đã bảo bố con ông nhiều lần rồi, nhưng nào có để vào tai. Thời buổi
này mà cứ thật thà, thẳng thắn thì chỉ có thiệt đơn thiệt kép. Mình ở làng ở
Xã, nhất nhất cái gì cũng phải qua tay người ta. Con cháu muốn đi đâu
cũng phải ra Xã chứng nhận. Có con lợn, hạt thóc muốn bán cũng phải có
Xã nhận thực không nợ nần công quỹ, không dây dưa nghĩa vụ mới được
bán, chứ tự mình cũng không thể. Thế mà bố con ông vẫn cứ ngang cành
bứa với người ta, thì đến có con lợn cũng không bán nổi, ông đã thấy chưa!
Ông Mải bỗng thấy lời chì chiết của bà vợ nghe sao hẹp hòi, hèn mọn.
Nhưng ngẫm, có khi lại đúng cũng nên.
Ông Mải không nén được nỗi bực dọc cái quân vô loài, nhưng vẫn nhẹ
nhàng bảo vợ:
- Không bán được thì thả vào chuồng nuôi, chứ sao bà cứ chì chiết tôi
thế!
- Tôi bấn gì phải chì chiết ông. Nhưng cũng không thể không nói cho
thiên hạ họ biết, có đời thuở nào quan lại đi ăn chẹt dân thế bao giờ?
Không biết bà vợ ông Mải đã nhận ra Cải đang ngồi với chồng trên
hiên kia chưa, nhưng thực, câu nói của bà làm Cải bỗng ngượng chín mặt,
chỉ còn thiếu tìm cái lỗ lẻ nào chui tọt xuống cho xong. Dĩ nhiên, những
người ấy cũng chỉ là cán bộ, đảng viên dưới quyền lãnh đạo của anh, chứ
không phải chính anh mắc lỗi. Nhưng một người lãnh đạo khi nghe người
khác kể tội của người dưới quyền, lại không thấy hổ thẹn thì cũng không
nên làm người lãnh đạo làm gì nữa. Cải bỗng loé lên ý nghĩ ấy, rồi lại ngồi
thần mặt ra, không dám hé răng nửa lời, rằng bác bỏ quá đi cho hoặc có khi