Túc tất tưởi xách cái mâm vào, vừa cười vừa nói:
- Con cứ tưởng bác Cải không biết làm riềng, nhưng cũng cắt rễ, thái
riềng nhanh gớm, ông ạ!
- Chuyện, lãnh đạo phải thế mới gần được dân. Chứ quan cách quá thì
làm sao gần dân, hiểu dân được.
Túc đặt chiếc mâm vừa đánh rửa sáng loáng xuống nia, hỏi:
- Lau khô cá xong thái ngay, hay để khi nào gần ăn mới thái, rồi trộn
riềng luôn, hả ông?
- Cứ lau xong con nào bọc giấy bản gói vào để đấy, cho nó hút hết
nước, khô con cá đã. Gần đến lúc ăn mới thái, rồi trộn riềng luôn, cho vừa
tươi vừa thơm. Nhưng anh cứ để tôi lau, đi xem dọn cối cho bác Cải giã
riềng hộ, còn anh đi lo cái món lá thơm đi. Có khi phải chạy vào nhà Vần
xin nắm lá sung, nếu cây có quả mua nó mấy hào anh ạ. Nhà nó chỉ cho lá,
chứ quả là phải mua đấy. Rồi về bờ ao nhà tôi phía ngoài kia có cây vọng
cách mọc sát bờ đấy, hái lấy mấy cành. Cái giống gỏi cá mè là cứ phải có lá
vọng cách ăn mới bùi, mới thơm, ừ, sung thì bùi rồi, nhưng không có mùi
thơm như lá vọng cách. Kể các cụ ta cũng lạ, trong bao nhiêu thứ ăn sống,
nào nem chạo thịt lợn, nào gỏi tôm gỏi tép, nhưng không thứ ăn sống nào
cần đến nhiều thứ lá lộc thơm, lại cả chua chát đắng cay nữa, như gỏi cá.
Mà toàn những thứ đứng trong vị thuốc, nào là tía tô, rau húng, mùi tầu, rau
răm, rau ngổ, dấp cá, húng tép, rồi đinh lăng, kinh giới, lá mơ, lá sung, lá si,
vọng cách...
Ôi giời, có đến mười mấy loại lá lộc thơm được bày ra mâm cá gỏi,
chỉ ngửi mùi lộc đã muốn ăn rồi.
Túc đến đứng bên bàn rít òng ọc một hơi thuốc lào, rồi cầm ấm rót
nước ra hai cái chén. Nhưng chưa uống, mà bê một chén đến chỗ ông Mải
đang ngồi lau cá bên cái nia, gần lối ra vào buồng: