không biết bằng cách nào mà giàu lên nhanh thế, cũng mua sắm sa lông,
ghế tựa bọc da, hôn đa xe máy, nhà xây mặt đường. Nhưng đấy phần nhiều
là người có chức có quyền trong cơ quan Nhà nước, còn ở Xã mà xây nhà
to rộng khang trang thế, có lẽ hiếm thấy Chủ tịch Xã nào được như vậy. Cải
nghe ông Mải nói mà thực sự chưa hiểu Thuật lấy ở đâu ra tiền xây nhà
khang trang thế, chỉ riêng vật liệu có lẽ phải tới mấy vạn viên gạch. Lại còn
xi măng. Lấy đâu ra nhiều thế. Trong khi xi măng mua từ một tạ trở lên đã
phái có phiếu Uỷ ban Huyện phân phối, chứ Cửa hàng vật liệu kiến thiết
tiếng là bán sắt thép, xi măng nhưng số lượng chừng ấy lại không có quyền.
Nghe Cải giãi bày uẩn khúc, ông Mải bảo:
- Hợp tác xã này có những bốn khẩu lò, mỗi đợt cho ra lò sáu vạn viên
gạch. Trước mỗi tháng giao cho Nhà nước từ ba đến năm vạn viên, chưa kể
dành lại một, hai vạn bán ưu tiên cho đối tượng chính sách và hộ gặp khó
khăn. Nhưng từ ngày tay Lận, em trai Thuật, lên thay thằng Điền nhà này
làm Chủ nhiệm, thì cái khoản gạch giao cho Nhà nước chẳng hiểu sao
không thấy Huyện điều đi nữa, mà để cả lại cho Xã phân phối. Nhưng cũng
chẳng biết Xã phân phối thế nào, mà những gia đình thương binh, liệt sĩ
làng này từ năm ngoái đến nay chưa nhà ai biết viên gạch nung của Xã dầy
mỏng, vuông tròn ra làm sao. Đến như nhà ông Tộ xóm Đông, hai con liệt
sĩ, nhà giờ còn hai ông bà với thằng út, thế mà vợ chồng thằng rể trưởng ở
ngoài phố mấy lần về xin Xã cho mua vạn gạch xây cho ông bà gian nhà để
cuối năm cưới vợ cho em, mà đã được đâu. Trong khi đó, cán bộ Xã thì
ngoài ông Thuật, còn những mấy ông nữa xây nhà, cũng đều là gạch của
hợp tác cả. Thế nên dân người ta chán, đòi giải tán lò gạch, Huyện đã biết
chửa?
Nghe ông Mải nói, Cải hiểu ngay là câu hỏi không hẳn dành cho riêng
mình, nhưng vẫn thú nhận:
- Thực tình là giờ ông nói con mới biết. Còn lãnh đạo Huyện, con nghĩ
cũng nhiều người chưa biết đâu, ông ạ.