Thế là hôm sau tôi giao toàn bộ cánh đồng Bùn, hơn ba mươi mẫu,
cho bà con gặt khoán. Lao động chính gặt một sào, phụ mười thước, tính
bằng một công. Lấy lao động làm chuẩn, nhưng trên thực tế tất cả những
người trong gia đình có khả năng cắt, lượm, bó, khuân vác lúa đều được ra
đồng làm, chứ không nhất thiết chỉ có người lớn mới được ra đồng như mọi
khi. Có một thực tế là lâu nay cứ đến mùa gặt, các trường lại cho học sinh
nghỉ, ít là một tuần, nhiều đến chục ngày. Nói rằng cho nghỉ học để các
cháu giúp bố mẹ gặt hái, nhưng cơ chế ngặt nghèo của Hợp tác xã có cho
trẻ con dưới mười sáu tuổi ra đồng làm lụng giúp bố mẹ đâu. Thậm chí có
vụ còn cấm trẻ con bén mảng ra đồng, ngoại trừ một việc là dong trâu ra và
đón trâu về cho thợ cày. Cứ như thể chúng là lũ phá hoại, hễ ra đến đồng là
tuốt lúa, bẻ ngô, phải kiên quyết ngăn chặn. Thế nhưng, chẳng mấy vụ cấm
đoán, ngăn chặn được. Bởi không ai nỡ để con ở nhà chơi bời lêu lổng, mà
ngoài đồng thóc rơi vãi từng đống, lúa gặt sót ê hề. Vậy là những nhà có
con cái chạy nhảy được bố mẹ bày cho đủ mọi cách để ra đồng, mẹ gặt đi
trước con mót theo sau. Hễ thấy bóng bảo vệ là chúng chạy toá hoả như vịt
tháng sáu, có đứa láu cá ngồi thụp xuống giữa hai ống quần mẹ, còn bà mẹ
thì đứng đực ra, tay hua hua cái liềm như thể chỉ đường cho bảo vệ đuổi
đứa mót. Nhiều lần tận mắt thấy những cảnh ấy trên cánh đồng, tôi không
sao diễn tả được tâm trạng của mình khi ấy, vừa ngao ngán, tiếc nuối, lại
vừa cảm thông, chia sẻ. Nhưng điều buồn nhất, là lâu nay chúng ta vẫn hô
hào đến khản cổ "Hợp tác xã là nhà, Xã viên là chủ", nhưng ba tháng trông
cây đến ngày lấy quả thì chỉ vì muốn được nhiều công điểm, mà người ta
cắt gặt vội vàng để sót, để rơi rụng không biết bao nhiêu là thóc ở ngoài
đồng. Rồi lại tự lập luận rằng lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt, bố mẹ cắt
không hết thì đã có con cái theo sau nhặt, chứ có mất đi đâu đâu. Quả như
lời ông Lạc, cái chính là người ta có thực lòng, có tự giác hay không. Chứ
một khi lòng người đã không thuận, thì mọi sự ràng buộc đều trở nên mỏng
manh, chắp vá, tạm bợ kiểu chân không chằng, đầu không chốc, không thể
bền vững được.