cũng làm Bí thư kiêm Đội trưởng như tôi. Vâng, giờ thì anh ấy làm Phó
chủ tịch Uỷ ban phụ trách Công an Xã. Hai anh em học cùng lớp. Biết tôi
bị kỷ luật còn lẽo đẽo đi học bằng tiền gạo nhà, anh ấy bảo, cũng là cảm
thông với hoàn cảnh của tôi thôi: "Học về làm, chứ học về bỏ đấy thì học
làm gì. Còn thoát ly thì chú không thể đi được nữa rồi. Đời nào ông Giá,
ông Trường lại điều chú lên Huyện. Mà dẫu đi đâu cũng không thoát khỏi
chứng nhận của Đảng uỷ, Uỷ ban Xã. Mà mơ với mộng thoát ly làm gì nữa,
chú ơi!". Tôi thực cũng chưa nghĩ đi học để được đi thoát ly, nhưng học để
làm cái anh cán bộ địa phương cho tốt thì đúng là tôi có nguyện vọng.
Nhưng từ nay nguyện vọng nhỏ bé ấy, chắc cũng không được nữa rồi. Dẫu
sao, đã ngồi trên lưng cọp thì tôi cứ phải đi thôi. Gắng mà theo cho hết
khoá, chứ bỏ thì tiếc lắm. Thầy tôi cũng động viên vậy, làm tôi thêm vững
tâm.
Còn Hợp tác xã, ngay sau khi tôi bị kỷ luật cách chức Thường vụ
Đảng uỷ kiêm Chủ nhiệm, thì Tiên Trung cũng không giao ruộng khoán
nữa. Nhưng là nói Hợp tác xã không khoán, chứ tôi biết tỏng có Đội vẫn
khoán ruộng cho hộ. Mà không riêng Tiên Trung, tôi còn biết Huyện này
cũng có mấy anh khoán cho hộ nữa cơ, nhưng có cạy răng bảy ngày họ
cũng không nói. Vâng, cái đó thì tôi cũng không dám nói là cấp trên có
quan liêu hay không? Nhưng đoàn kết, tối nghĩ là họ phải đoàn kết lắm thì
tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng mới đồng thuận kín tiếng được như
thế chứ. Đúng rồi, một khi mọi người đều ý thức được quyền lợi thiết thân
của mình là ở chính cái cánh tay mình giơ lên và cái mồm mình há ra, thì
người ta tự biết cách làm gì và làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi ấy. Hay
nói như kinh tế chính trị học mà tôi được học qua, thì một khi dân chủ được
bảo đảm, tự do cá nhân được phát huy, sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự
phát triển, có khi còn tạo bước đột biến khó lường. Nhưng này, anh có nghe
thấy gì đấy không?
- Hình như có tiếng người kêu hay sao ấy cậu ạ?