chợ; rồi một giấc ngủ êm nhẹ của người già đến từ lúc nào; cho đến khi
thấy mỏi nhừ và đau ở sống lưng biết là trời sắp sáng, dậy đỏ lửa, đun cho
ông ấm nước pha trà và bắc lên nắm gạo nấu miếng cơm cho cái Gianh đi
học.
Cái mong ước ấy của bà ít khi thực hiện được, bởi đêm đêm bên cạnh
bà, ông Cảnh hình như không ngủ, cứ hay trở mình, gác tay gác chân, và
đôi khi trườn cả người qua người bà. Thương ông bà gắng chiều, nhưng sự
gắng chiều ấy đã trở thành một sự chịu đựng...
Rồi bà cũng tìm được cách khéo léo để "cách ly" ông. Đấy là một dịp
mùa hè đến, bà bảo ngủ chung nóng lắm, và dọn cho ông một giường riêng.
Cái nhà ba gian, gian liền sát bếp là chỗ của bà và cái Gianh (buồng bà phía
trong, giường cái Gianh ở phía ngoài, cạnh cửa sổ, giữa là lối đi xuống
bếp), gian giữa đặt bàn thờ ở phía trong, phía ngoài là bộ bàn trà, gian trên
cùng đặt giường của ông. Bà yên tâm vì đã tìm được cách mà bà cho là
diệu kế này. Nhưng bà nhầm, bà không tính đến chuyện ông có đôi chân.
Một tối, bà đang nằm thiêm thiếp thì chợt nghe tiếng dép nhè nhẹ đi đến,
rồi thấy ông quờ tay lên người bà, vuốt tóc bà và khẽ nằm xuống bên cạnh
bà...
Từ đấy, bà nín thở và thon thót lo mỗi khi có tiếng dép của ông lê qua,
dù có khi ông chỉ đi tiểu tiện. Có một lần, không hiểu vì quá lo lắng, hay vì
một lý do gì khác, bà bỗng lên tiếng rên khe khẽ khi có tiếng dép của ông
từ xa. Và lần ấy tiếng dép của ông chần chừ một giây rồi xa dần và im hẳn.
Bà nín cười... Đấy, cái sự thỉnh thoảng hay rên hừ hừ về đêm của bà, có căn
nguyên vậy đó.
Nhưng, hôm nay bà rên không phải vì lý do đó, bà thực sự thấy mình
đau yếu, thấy mình bất lực. Bà lo không biết xử trí ra sao trước yêu cầu thế
nào cũng nói vào sáng mai của ông, là sẽ đi ra ngoài ấy thăm Tâm. Trước
đây, lâu lâu ông xin phép bà đi thăm bạn bè, hay bà con đâu đó dăm bảy
bữa, bà không đắn đo cân nhắc, thoải mái chấp nhận ngay, và thậm chí còn