chuẩn bị chu đáo cho ông đi xa. Nhưng bây giờ, không hiểu sao bà hoàn
toàn không muốn ông đi ra ngoài ấy một chút nào. Trái tim bà như bị ai bóp
chặt khi mường tượng rằng ông sẽ được Tâm chăm sóc vồ vập như trời hạn
lâu ngày gặp mưa, rằng đêm đêm hai người má ấp vai kề, thầm thì "anh
anh, em em" mọi điều nhung nhớ, rồi...
Hừ... hừ... không, không thể được. Ông ấy là chồng bà, là của riêng
bà, không ai có quyền... Phải! Bà không chấp nhận chuyện đó. Bà không
thể để ông đi. Hừ... hừ...
Và, suốt đêm bà không sao chợp mắt, vừa rên vừa nghĩ kế giữ chân
ông.
Sáng hôm sau, ông Cảnh không ngồi nhấm trà như mọi khi, mà xăm
văn đi vào đi ra, khi xếp các thứ rau vào rổ cho bà, khi tìm đôi quang gánh
ở chái bếp... Bà Cảnh biết ông định nói điều gì rồi, nhưng bà giả lơ, không
đụng đến. Cho đến khi bà cắp nón và ghé vai vào chiếc đòn gánh tre mỏng
mảnh, ông Cảnh mới ấp úng, như đứa trẻ có lỗi:
- Mình ạ... Có lẽ... tôi phải đưa cái Gianh ra quê, nhân thể xem mẹ nó
ốm đau thế nào...
Biết ngay mà! Bà Cảnh ngừng lại, lấy tay quệt thứ bã trầu dính đỏ
bầm khóe miệng, ra chiều cân nhắc một giây, rồi xởi lởi:
- Ờ... Mà để tui coi... Từ hồi được làm chị làm em với mẹ cái Gianh
tới chừ, đã khi mô ông cho tui được gặp mặt bà con họ hàng dì ấy ngoài
nớ? Thôi chuyến ni nhân có mấy ngày nghỉ, ông để tui đưa cái Gianh đi,
chị em gặp nhau lâu lâu.
Bà nói và quày quả đặt gánh lên vai như thể sợ kéo dài chợ trưa, và
như thể chuyện không có gì phải bàn lại nữa, khiến ông không kịp phản
ứng gì. Khi bà ra khỏi cửa rồi, ông mới ngớ ra, mới kịp hiểu, và đứng ngẩn