Cơ quan đầu não của nhà trai hoàn toàn bị tê liệt, nhưng hình như cái
ngọ ngoạy của một ngón tay đã cứu được cái cơ thể gần chết cả mười phần.
Amar, thằng em con chú của Raja, ghé tai ông bác thì thầm, từng lời như
liều thuốc hồi sinh tưới vào cái tử thi xám ngoét của ông. Rồi cứ như kẻ bị
nhập đồng, nghe được câu nào ông để cho nó văng ra cửa miệng câu ấy.
Thằng Raja nó đốn mạt, chúng tôi xin nhận lại cháu để dạy trong nhà,
nhưng nó còn hai đứa em trai, mười tám đôi mươi cả, thêm thằng Amar nữa
là ba. Xin nhà bên ấy chọn cho một đứa làm rể để đổi lấy thằng Raja, và
chúng tôi chỉ xin lấy 50.000 rupi hồi môn.
Thôi cũng đành. Thầy tử vi lập tức được gọi đến kẻ kẻ vẽ vẽ. Ban đầu
dường như Nilam hợp với cả ba ứng cử viên loại hai kia. Đến phép cuối
cùng thì cung Song Ngư của Nilam loại bỏ không thương tiếc hai chú em
ruột của Raja, mà chỉ còn hợp với cung Tranh Nữ của Amar. Cái thằng
Amar tẩm ngẩm tầm ngầm, ai cũng bảo là hiền lành, đột nhiên thành cái
đầu của cả họ, rồi nhảy lên lưng con bạch mã cứu vớt thanh danh cho cả
họ.
Nilam về làm dâu nhà Amar. Con chú con bác sống chung một nhà
nên cô không sao tránh mặt Raja. Ngày nào Raja cũng mang sáo ra thổi,
giờ thì tiếng sáo rất gần, ở ngay trong nhà, thật là phẫn, thật là não nùng
đến mức Nilam phải nhân lúc vắng người nói với Raja rằng nếu anh cứ thổi
sáo như thế một tháng nữa thì cô sẽ phát điên lên mất. Raja không nói gì,
lẳng lặng bỏ ra ngồi bên miếu thờ Siva cách xa nhà, tiếng sáo chỉ còn vo ve
như tiếng muỗi.
Cưới nhau gần một tuần, Nilam vẫn còn là gái trinh. Nhà không dành
phòng riêng cho cặp vợ chồng mới cưới, nếp nhà trong những gia đình như
thế buộc đàn ông ngủ ở phòng đàn ông, đàn bà ngủ bên phòng đàn bà.
Nilam ngủ cùng với mẹ chồng và hai cô em chồng đã bắt đầu hấm hứ xét
nét. Một hôm hai đứa em đã ra đồng thu hoạch hạt cải, nhà chỉ có Nilam và
bà mẹ chồng, thì giữa buổi sáng Amar đột nhiên bỏ cửa hàng tạp hóa về