Nilam lại mang bầu. Bà mẹ chồng vào ra gầm ghè. Quân này chỉ đẻ
rặt con gái cho mà xem, rồi thành quân ăn tàn phá hại trong nhà bà. Của rẻ
mạt, người ta nhận cho với cái giá đổ đi mà còn tính gian lận 10.000 rupi,
nhà bên ấy thật đúng là phường lừa đảo. Đến lúc ấy, Nilam không im được
nữa, vì người ta đã động đến cả gia đình cô. Ái chà, danh gia vọng tộc gớm
nhỉ, bùn đất chui ra, sâu bọ lên làm người, muốn giỏi muốn tốt thì bà sẽ cho
về làm bùn đất làm sâu bọ. Nilam bị cuốn vào việc ăn miếng trả miếng.
Chưa biết ai phải làm sâu bọ phen này, các vị thần linh đều đã chứng giám
đây là nhà chồng cô, cô sẽ không dễ để cho người ta đẩy đi đâu khác.
Bà mẹ chồng coi đó là lời tuyên chiến. Chiến sự nổ ra hai ngày sau,
sau mấy cuộc đấu khẩu đàn bà làm cả hai phe đều hóa điên. Bà mẹ chồng
uất lại càng tỉnh, càng nhảy chồm nhồm như bị phụt lửa. Nilam uất đến xỉu
đi. Trong cơn mê, Nilam thấy người ta tưới nước sông Hằng lên người
mình và đặt lên giàn hỏa táng. Lửa ngùn ngụt trùm lên. Cô vùng dậy lao ra
sân, gào thét kêu cứu, thoáng thấy bóng mẹ chồng quăng chai xăng bỏ
chạy. Raja từ xa buông rơi cây sáo phóng tới, giật tấm vải trải giường trên
dây phơi quấn quanh người Nilam rồi ôm lấy cô mà lăn tròn trên sân. Rồi
anh bế thốc Nilam chạy ra gọi xe đi
bệnh viện.
Nilam qua bệnh viện huyện rồi lên bệnh viện bang. Vào đúng cái bệnh
viện ngày trước cô học làm hộ lý, gặp đúng bà giám đốc ngày trước là cô
giáo của mình. Cô không chết, nhưng gương mặt biến dạng. Raja đến thăm,
nhìn mặt cô đăm đăm, ôm mặt cười hồi lâu rồi bỏ ra sân bệnh viện. Tiếng
sáo vang lên sằng sặc giãy giụa như tiếng khùng tiếng điên cho đến khi
người ta phải lôi anh xềnh xệch vứt ra ngoài cổng.
Nilam đẻ non, lại một đứa con gái. Mười mấy năm sau sẽ phải lo cho
nó như lo cho con chị, lại mất 50.000 rupi hồi môn, chưa tính trượt giá. Nó
lại sẽ bị cò kè giá cả, bị tưới xăng lên người đốt, gọn gàng nhanh chóng, đỡ
phải đem ra bãi hỏa táng với bao nhiêu thủ tục phiền hà.