- Lênh đênh thế đủ rồi, năm năm cuối đời tao về quê cha đất tổ - Ông
nói vậy rồi sau bữa rượu ngán (2)chần, gói chiếc áo vằn với hai chục đồng
bạc, trở về Sơn Hạ, giũ bỏ tất cả: biển khơi, con tàu, tuổi xuân, sức lực và
những lời đồn đại.
-----
(2) Một loài họ trai hến đặc sản biển.
Bây giờ, biết chuyện tôi chỉ thấy nực cười. Đúng là lão gàn, đầu hai
thứ tóc rồi mà còn tin những chuyện nhảm nhí. Mà dù có tin thì cũng cứ ở
lại với biển, sống chết trên sóng nước cho thỏa, việc gì phải mò về để rục
xương ở cái xứ khỉ ho cò gáy của ông ta! Phải mãi sau này tôi mới hiểu ra
rằng mọi thứ đều có cội nguồn. Con người cũng vậy, cuối cùng sẽ phải trở
về nơi đã sinh ra họ.
Ngôi nhà của Vân Lì nằm trên sườn đồi, tận rìa làng, mái lợp cỏ tranh,
tường trình đất đỏ, xung quanh có rào đá bao bọc, kiểu thường thấy ở
những vùng bán sơn địa. Sau trận đậu mùa trước đó ba năm họ hàng thân
thích của ông chỉ còn lại đứa cháu gái ngoài ba mươi tuổi, gọi Vân bằng
chú, thân hình gầy đét, mặt rỗ như tổ ong, không chồng, suốt ngày quàu
quạu. Nếp sống của Vân Lì thay đổi hẳn. Ông vận quần áo bằng vải thô, do
đứa cháu gái tự dệt và nhuộm chàm, từ sáng sớm đến tối mịt cặm cụi làm
vườn, sửa nhà như một lão nông thực thụ. Chỉ có rượu là ông không bỏ, có
lẽ không muốn bỏ. Ông uống rượu như uống nước, uống rượu thay nước.
Những khi nhớ biển, rượu đem lại cho ông cái cảm giác bồng bềnh quen
thuộc. Ông thường uống rượu vào buổi chiều, sau một ngày làm lụng quần
quật như trâu lăn, mặc chiếc áo vằn, ngồi bắt chân chữ ngũ trên mảnh chiếu
con ở đầu hè, mắt đăm đăm nhìn đồng lúa rập rờn như sóng. Lúc đó ông có
trông thấy thằng Ba Nghệch lảng vảng qua lại hay không? Có lẽ là có,
nhưng rõ ràng là ông chẳng thèm để ý đến hắn. Cổng rả vẫn để tanh bành ra
đấy, thậm chí khi đứa cháu gái thì thào Vân Lì cũng cứ phớt như không.