giảm nhiều trong thập kỷ trước, và các đảng phái có quan điểm rất khác
nhau về những vấn đề chính sách lớn. Nhưng ít nhất sự suy giảm đó có một
phần nguyên nhân là báo chí quan niệm lịch thiệp thì chán ngắt. Câu nói
của bạn sẽ không có hiệu ứng gì nếu bạn nói: "Tôi hiểu quan điểm của anh
ta" hay "Vấn đề này thực sự phức tạp". Phải tấn công, và bạn gần như
không thể thắng được những người đứng sau camera. Thường thì các phóng
viên sẽ đi lệch hướng để khuấy động mâu thuẫn, hỏi những câu khiêu khích
để nhận được phản ứng kích động. Hồi ở Chicago tôi biết một phóng viên
truyền hình khét tiếng là có khả năng moi từ bạn câu trả lời anh ta muốn,
đến mức cuộc phỏng vấn với anh ta cứ như là biểu diễn hài kịch của Laurel
và Hardy
[112]
vậy.
“Ông có cảm thấy mình bị quyết định hôm qua của Thống đốc phản bội
không?" Ví dụ anh ta hỏi tôi thế.
“Không. Tôi đã nói chuyện với Thống đốc, và tôi chắc chúng tôi có thể
dàn xếp mọi vấn đề trước khi phiên họp kết thúc".
“Chắc chắn rồi... nhưng ông có cảm thấy bị Thống đốc phản bội không?"
“Tôi sẽ không nói như vậy. Quan điểm của ông ta là..."
“Nhưng thế không phải là sự phản bội về phía Thống đốc à?"
Hậu quả của cái vòng luẩn quẩn, phóng đại mâu thuẫn, bới móc bừa bãi
các bê bối và sai lầm là làm xói mòn mọi chuẩn mực đánh giá sự thật thông
thường. Mọi người thường kể một câu chuyện khá hay, có vẻ hơi không
đáng tin lắm, về Daniel Patrick Moynihan, cựu thượng nghị sỹ từ New
York, rất có tài, nóng tính và chống tôn giáo. Đại khái là Moynihan đang cãi
nhau rất căng thẳng với một đồng nghiệp về một vấn đề nào đó, và vị
thượng nghị sỹ kia, cảm thấy mình đang đuối lý, buột miệng: "Ờ, có thể anh
không đồng ý với tôi Pat ạ, nhưng tôi có quyền có ý kiến của riêng mình
chứ”. Và Moynihan nhạt giọng trả lời: “Anh có quyền có ý kiến riêng,
nhưng anh làm gì có quyền có sự thật riêng".