những người có quan điểm đúng mà là cho những người - như văn phòng
báo chí Nhà Trắng - có thể lên tiếng to nhất, nhiều nhất, ngoan cố nhất và
có hậu thuẫn mạnh nhất.
Chính trị gia ngày nay hiểu điều đó, ông ta có thể không nói dối, nhưng
ông biết không có gì tốt đẹp dành cho những người nói sự thật, đặc biệt khi
sự thật đó là vấn đề phức tạp. Sự thật có thể gây ra hoảng sợ; sự thật có thể
bị tấn công; báo chí không đủ kiên nhẫn để lọc ra toàn bộ sự thật để công
chúng có thể nhận thấy sự khác biệt giữa trung thực và dối trá. Hậu quả tiếp
theo là vấn đề thái độ - phải nói sao cho tránh được tranh cãi hoặc có được
sự ủng hộ cần thiết từ công chúng, hay phải có một lập trường phù hợp tới
hình ảnh mà báo chí đã tạo ra cho chính trị gia này cũng như với câu
chuyện chính trị nói chung trên các phương tiện truyền thông. Với sự chính
trực, ông ta vẫn có thể muốn nói ra sự thật ông đang chứng kiến. Nhưng
ông cũng biết rằng việc có tin vào quan điểm mình phát biểu hay không
chẳng quan trọng bằng việc trông có vẻ tin; cuộc nói chuyện có thẳng thắn
hay không không quan trọng bằng việc trên truyền hình nghe có vẻ thẳng
thắn.
Tôi quan sát thấy có rất nhiều chính trị gia đã vượt qua được những
chướng ngại vật ấy và giữ nguyên được tính chính trực của mình. Đó là
những người vẫn nhận được tiền quyên góp cho chiến dịch vận động mà
không bị mua chuộc, giành được sự ủng hộ mà không bị những nhóm lợi
ích đặc biệt chi phối và quản lý được quan hệ với báo chí mà không đánh
mất bản thân. Nhưng vẫn còn một chướng ngại vật cuối cùng mà khi bạn đã
yên vị ở Washington, bạn không thể hoàn toàn tránh được nó, ít nhất chắc
chắn nó cũng làm cho một lượng cử tri đáng kể thất vọng về bạn, đó là bản
chất rất không hay của nghề lập pháp.
Trong những nghị sỹ tôi biết không có ai không thường xuyên bị ray rứt
bởi lá phiếu của mình. Có khi chúng ta thấy một điều luật rõ ràng là rất
đúng nên không cần đấu tranh tư tưởng (có thể nghĩ ngay đến John McCain