Hồi năm 2005, tôi đến thăm trường trung học Thornton Township, một
trường chủ yếu dành cho học sinh da đen ở vùng ngoại ô phía nam Chicago.
Nhân viên của tôi đã làm việc với các giảng viên ở đó để tổ chức một cuộc
họp với học sinh trong trường. Đại diện của từng lớp đã dành nhiều tuần để
xem xét các bạn học đang quan tâm đến vấn đề gì, sau đó chuyển kết quả
thu được thành những câu hỏi dành cho tôi. Tai cuộc họp mặt, các em nói
về vấn đề bạo lực trong vùng và thiếu máy tính cho lớp học. Những băn
khoăn hàng đầu của những học sinh này là: Do chính quyền quận không đủ
khả năng trả lương làm việc toàn thời gian cho giáo viên nên trường
Thornton phải cho học sinh về vào lúc 1 giờ 30 chiều. Với lịch học bị thu
hẹp như vậy, học sinh không có thời gian học trong phòng thí nghiệm hay
lên lớp ngoại ngữ.
- Tại sao chúng cháu lại bị đối xử không công bằng thế? - Các em học
sinh hỏi tôi - Có vẻ không ai muốn bọn cháu vào đại học thì phải.
Bọn trẻ muốn học nhiều hơn.
Chúng ta đã quen với những câu chuyện như vậy về trẻ em gốc Phi và
gốc Nam Mỹ đang mòn mỏi theo học ở những ngôi trường không thể trang
bị cho chúng đủ trình độ để tham gia vào nền kinh tế công nghiệp kiểu cũ,
nói gì đến thời đại thông tin hiện nay. Nhưng vấn đề của hệ thống giáo dục
của chúng ta không chỉ nằm ở khu phố cũ. Nước Mỹ còn có tỷ lệ học sinh ở
cấp trung học bỏ học cao loại cao nhất trong số các nước công nghiệp phát
triển. Học sinh năm cuối trung học của Mỹ có điểm kiểm tra toán và khoa
học thấp hơn so với hầu hết các bạn đồng lứa nước khác. Một nửa thiếu
niên Mỹ không hiểu được những phân số đơn giản, một nửa số trẻ em chín
tuổi không làm được phép nhân hoặc chia cơ bản, và mặc dù có nhiều sinh
viên Mỹ tham dự kỳ thi đại học hơn bao giờ hết, nhưng chỉ có 22% trong số
đó được trang bị đủ để học tiếng Anh, toán và khoa học ở trường đại học.
Tôi không tin rằng một mình chính phủ có thể thay đổi được kết quả
thống kê này. Cha mẹ là những người chịu trách nhiệm cơ bản trong việc