Thực tế, nếu chúng ta định tiến hành những đầu tư cần thiết để chấn
chỉnh lại các trường học thì chúng ta sẽ phải phục hồi niềm tin rằng mọi trẻ
em đều có thể học. Gần đây, tôi có cơ hội đến thăm trường tiểu học Dodge
ở Tây Chicago, một trường từng xếp hạng gần chót về mọi mặt nhưng đang
trong quá trình thay đổi. Khi tôi nói chuyện với các giáo viên về những khó
khăn họ gặp phải, một giáo viên trẻ đề cập đến cái mà cô gọi là “Hội chứng
những đứa trẻ đó" - xã hội sẵn sàng tìm ra hàng triệu lý do tại sao "những
đứa trẻ đó" không thể học được; "những đứa trẻ đó” có nền tảng khó khăn
và "những đứa trẻ đó” quá tụt hậu như thế nào.
“Khi tôi nghe đến từ đó tôi tức điên người", cô ấy nói. “Chúng không
phải những đứa trẻ 'đó'. Chúng là con cái, là bọn trẻ của chúng ta".
Nền kinh tế Mỹ sẽ như thế nào trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều
vào việc chúng ta có thực sự suy nghĩ về điều đó không.
ĐẦU TƯ VÀO giáo dục không thể chỉ là hệ thống trường tiểu học và
trung học cơ sở được cải thiện. Trong nền kinh tế tri thức với tám trong số
chín nghề phát triển nhanh nhất trong thập kỷ này đòi hỏi trình độ khoa học
và công nghệ, phần lớn công nhân cần được đào tạo cao hơn ở hình thức
nào đó để kiếm được việc làm trong tương lai. Và nếu từ đầu thế kỷ 20,
chính phủ đã xây dựng các trường trung học phổ thông miễn phí và bắt
buộc để cung cấp cho công nhân các kỹ năng cần thiết cho thời đại công
nghiệp thì ngày nay chính phủ cũng phải giúp lực lượng lao động điều
chỉnh với thực tế của thế kỷ 21.
Về nhiều mặt, nhiệm vụ của chúng ta bây giờ dễ dàng hơn so với các nhà
hoạch định chính sách một trăm năm trước. Một ví dụ là chúng ta đã có sẵn
một hệ thống các trường đại học và cao đẳng cộng đồng được trang bị đầy
đủ để tiếp đón thêm nhiều sinh viên hơn. Và rõ ràng không cần thuyết phục
người Mỹ về giá trị của giáo dục đại học - tỷ lệ thanh niên có bằng cử nhân
tăng đều đặn qua mỗi thập kỷ từ 16% vào năm 1980 lên 33% hiện nay.