các nhà sản xuất ô tô: để được liên bang hỗ trợ chi phí y tế cho các công
nhân về hưu, ba công ty lớn nhất phải tái đầu tư số tiền tiết kiệm được này
để phát triển sản phẩm sử dụng nhiên liệu hiệu quả.
Đầu tư mạnh vào nguồn năng lượng thay thế cũng sẽ đem lại hàng nghìn
việc làm mới. Mười hay hai mươi năm nữa, xưởng Maytag cũ ở Galesburg
có thể mở cửa lại, thành một nhà máy lọc ethanol từ cellulose. Cuối phố các
nhà khoa học sẽ rất bận rộn trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu tế bào
hydrogen mới. Và bên kia đường, một công ty ô tô mới sẽ nhanh chóng bán
được những chiếc xe hybrid.
Việc làm mới sẽ do những công nhân Mỹ đảm nhiệm, họ có kỹ năng mới
và được hưởng dịch vụ giáo dục đẳng cấp thế giới, từ tiểu học đến đại học.
Nhưng chúng ta không thể chần chừ thêm nữa. Tôi thoáng có ý niệm sự
phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài có thể gây ra điều gì vào mùa
hè năm 2005, khi Thượng nghị sỹ Dick Lugar và tôi đến thăm Ukraine và
gặp tổng thống mới được bầu của nước này, Viktor Yushchenko. Sự kiện
bầu cử Yushchenko đã lên đầu các bản tin trên khắp thế giới: vận động
chống lại một đảng cầm quyền nhiều năm chỉ phục vụ lợi ích cho nước láng
giềng là Nga, Yushchenko đã sống sót qua một vụ ám sát, một vụ bầu cử bị
tước bỏ kết quả và những lời đe dọa từ Moscow trước khi người dân
Ukraine nổi dậy trong "Cách mạng cam" - đó là một loạt những vụ biểu tình
hòa bình quy mô lớn, cuối cùng dẫn tới việc Yushchenko lên làm tổng
thống.
Lẽ ra đó là thời điểm khó khăn với đất nước trước đây nằm trong Liên
bang Xô viết này, và thực tế, ở mọi nơi chúng tôi đến người ta đều nói về tự
do hóa và cải cách kinh tế. Nhưng khi nói chuyện với Yushchenko và nội
các của ông, chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra Ukraine có một khó khăn
rất lớn - họ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ và khí đốt của
Nga. Lúc đó Nga đã tuyên bố Ukraine không được mua dầu khí từ nước này
với giá thấp hơn giá thị trường thế giới nữa, một động thái dẫn tới giá dầu