họ nên làm khi đã có khoản tiết kiệm khác ngoài khoản nộp vào Bảo hiểm
xã hội.
Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng với nỗ lực của chính phủ để khuyến
khích chuyển từ chính sách bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động hoặc
chính phủ cung cấp sang Quỹ tiết kiệm y tế cá nhân.
Phương thức bảo hiểm này sẽ hiệu quả nếu tổng số tiền mỗi người nhận
được đủ để họ mua một hợp đồng bảo hiểm y tế đàng hoàng do người sử
dụng lao động cung cấp và số tiền đó cũng được điều chỉnh theo tốc độ tăng
của chi phí y tế theo lạm phát. Nhưng nếu nơi bạn làm việc không cung cấp
bảo hiểm y tế thì sao? Hoặc nếu lý thuyết của chính phủ về lạm phát y tế sai
thì sao - nếu rốt cuộc chi phí y tế lại không phụ thuộc vào thái độ của con
người đối với sức khỏe của họ hoặc tham vọng phi lý là con người mua
nhiều hơn mức họ muốn?
Khi đó "tự do lựa chọn" sẽ có nghĩa là người lao động phải tự chịu gánh
nặng chi phí y tế tăng lên trong tương lai, và mỗi năm, số tiền họ có trong
Quỹ tiết kiệm y tế cá nhân sẽ mua được ít hơn và chi trả được ít hơn.
Nói cách khác, Xã hội Sở hữu thậm chí còn không chia sẻ rủi ro và lợi
ích của nền kinh tế mới cho tất cả mọi người. Thay vào đó, nó phóng đại
những rủi ro và lợi ích của nền kinh tế kiểu người-thắng-được-tất-cả hiện
tại. Nếu bạn khỏe mạnh, giàu có hoặc chỉ đơn giản là may mắn thì bạn sẽ
càng khỏe mạnh, giàu có, may mắn hơn. Nếu bạn nghèo đói, ốm đau hoặc
bị phá sản, bạn sẽ không tìm thấy ai để nhờ giúp đỡ. Đó không phải là công
thức để tăng trưởng kinh tế bền vững và duy trì được một tầng lớp trung lưu
vững mạnh. Đó rõ ràng cũng không phải công thức đem lại gắn kết xã hội.
Nó đi ngược lại những giá trị cho rằng mọi người đều có lợi khi người khác
thành công.
Đó không phải chúng ta, với tư cách là một dân tộc.