không chỉ khuyến khích tiết kiệm mà còn giúp mọi người Mỹ đều được
hưởng phần lớn hơn trong trái ngọt mà toàn cầu hóa mang lại.
Một nhiệm vụ mang tính chất sống còn không khác gì vấn đề tăng lương
và cải thiện bảo hiểm hưu trí cho người Mỹ và có lẽ có sức ép lớn nhất là
thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đã đổ vỡ của chúng ta. Không
như bảo hiểm xã hội, hai quỹ bảo hiểm y tế của chính phủ - Quỹ Chăm sóc
y tế và Quỹ Cứu trợ y tế - đều đã sụp đổ; nếu không thay đổi thì đến năm
2050, hai quỹ này cùng với bảo hiểm xã hội sẽ tiêu tốn một số tiền chiếm tỷ
trọng trong nền kinh tế ngang với toàn bộ ngân sách liên bang hiện nay.
Chính sách bảo hiểm theo đơn thuốc vô cùng tốn kém, phạm vi bảo hiểm
hạn chế và không có biện pháp kiểm soát chi phí thuốc men chỉ làm tình
hình xấu thêm. Còn hệ thống của tư nhân đang rơi vào tình trạng rất lộn
xộn: các nhân viên làm việc không hiệu quả, giấy tờ nhiều bất tận, người
bảo hiểm phải chịu gánh nặng quá tải và khách hàng thì không hài lòng.
Năm 1993, Tổng thống Clinton đã thử thiết lập một hệ thống bảo hiểm
cho mọi rủi ro xảy ra trên toàn cầu, nhưng đã bị cản trở. Từ đó đến nay,
những cuộc tranh luận đã rơi vào bế tắc. Một số người cánh hữu muốn có
lực đẩy thị trường mạnh hơn thông qua quỹ Tiết kiệm y tế còn những người
thuộc cánh tả lại bảo vệ kế hoạch bảo hiểm y tế một người trả tương tự với
hệ thống ở châu Âu và Canada. Còn các chuyên gia thuộc đủ các nhóm
chính trị khác nhau thì đề xuất một loạt các cải cách thực tế nhưng nhỏ lẻ.
Đã đến lúc chúng ta phá vỡ tình trạng bế tắc này, bằng cách chấp nhận
một vài sự thực đơn giản.
Với số tiền mà chúng ta đang chi cho y tế (tính trên đầu người cao hơn
tất cả các nước khác) thì chúng ta có thể chi trả cho những nhu cầu chăm
sóc sức khỏe cơ bản của tất cả người dân Mỹ. Nhưng chúng ta không thể
duy trì tốc độ tăng giá y tế hàng năm; chúng ta phải tính cả chi phí cho toàn
bộ hệ thống, bao gồm Quỹ Chăm sóc y tế và Quỹ Cứu trợ y tế.