Và nó đã trở thành chuyện nhỏ đối với nhóm "Cựu chiến binh Giang
thuyền vì Sự thật": chỉ một vài quảng cáo phát đúng chỗ, vài khẩu hiệu của
các phương tiện truyền thông bảo thủ là có thể biến một vị anh hùng đã
được tặng huy chương trong Chiến tranh Việt Nam trở thành một kẻ yếu
đuối. Thật hiệu quả một cách đáng kinh ngạc.
Không có gì phải nghi ngờ là có những đảng viên Cộng hòa cũng bị đối
xử tồi tệ tương tự. Và có lẽ bài xã luận xuất hiện trong tuần đầu tiên của
nhiệm kỳ đó đã đúng; đã đến lúc cho cuộc bầu cử đi vào quá khứ, và hai
đảng cần dẹp bỏ sự thù địch và vũ khí, cùng ngồi vào điều hành đất nước ít
nhất trong một hoặc hai năm. Điều đó có thể trở thành sự thực nếu như
ngày tuyển cử không đến quá gần, nếu như cuộc chiến ở Iraq không tiếp tục
diễn ra căng thẳng, hoặc nếu như các phe phái, các nhà phê bình và các
phương tiện truyền thông không tiếp tục trục lợi bằng cách khuấy động thù
hằn.
Có thể đã có hòa bình nếu có một Nhà Trắng khác, một Nhà Trắng ít cố
sống cố chết với chiến dịch tranh cử triền miên, một Nhà Trắng coi tỷ lê
chiến thắng 51-48 là một dấu hiệu cho thấy cần có thái độ khiêm nhường và
thỏa hiệp, chứ không phải là một thắng lợi không thể chối cãi.
Nhưng dù cần điều kiện gì để giải quyết tình trạng căng thẳng đó đi nữa
thì vào năm 2005, chẳng có điều kiện nào trong số đó tồn tại. Không có sự
nhượng bộ, không có cử chỉ thiện chí. Hai ngày sau cuộc tuyển cử, Tổng
thống Bush xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố rằng “vốn chính trị”
[13]
của ông vẫn còn nhiều và ông sẽ sử dụng nó. Cũng chính hôm đó, nhà hoạt
động bảo thủ Grover Norquist, không cần kiểu cách lịch sự của dân chính
trị, đã nhận xét về tình thế của đảng Dân chủ như sau: "Bất cứ anh nông dân
nào cũng sẽ cho bạn biết rằng có một số con vật chạy lung tung và thấy khó
chịu, nhưng khi chúng đã được dồn lại rồi thì chúng sẽ vui vẻ và bình tĩnh
lại thôi".