Vào một buổi tiếp tân tối nọ, tôi tiến đến nói chuyện với một ông già
người Washington, người đã làm việc ở Capitol gần năm mươi năm. Tôi hỏi
xem theo ông thì cái gì đã làm cho không khí bây giờ khác trước.
“Vấn đề thế hệ thôi”, ông trả lời không hề do dự. "Hồi ấy, hầu hết những
người có quyền lực ở Washington đều đã từng cống hiến trong Thế chiến
thứ hai. Chúng tôi có thể đấu nhau dữ dội về mọi chuyện. Chúng tôi hầu hết
có hiểu biết khác nhau, quê quán khác nhau, triết lý chính trị khác nhau.
Nhưng nhờ có chiến tranh nên chúng tôi thấy có vài điểm chung. Quá khứ
chung đem lại niềm tin và sự tôn trọng nhất định. Vì thế chúng tôi vượt qua
được khác biệt và giải quyết được mọi chuyện".
Khi nghe ông già hồi tưởng về Dwight Eisenhower và Sam Raybum,
Dean Acheson và Everett Dirksen, khó mà không mường tượng thấy những
gương mặt mờ ảo đó lướt qua, một thời kỳ trước khi có những bản tin 24
giờ và hoạt động gây quỹ bất tận, đó là thời kỳ của những người nghiêm túc
làm những việc nghiêm túc. Tôi phải tự nhắc mình rằng tình cảm yêu mến
của ông già đối với quá khứ ấy hẳn chỉ chứa đựng một vài kỷ niệm nhất
định. Ông đã quên đi hình ảnh phe miền Nam bác bỏ đề xuất các luật bảo vệ
quyền công dân ngay ở Thượng viện, quyền lực quỷ quyệt của chủ nghĩa
Mccarthy
[19]
, thực trạng dân cư nghèo đói được Bobby Kennedy phơi bày
trước khi ông chết; và trong bộ máy chính quyền thiếu vắng phụ nữ và
người thiểu số.
Tôi cũng nhận thấy còn nhiều tình huống độc nhất vô nhị khác mà ông
già cũng từng tham gia, chúng giúp bào đảm cho chính phủ đồng thuận một
cách ổn định: không chỉ là kinh nghiệm cùng trải qua chiến tranh mà còn là
sự nhất trí gần như hoàn toàn mà họ có được nhờ cuộc Chiến tranh lạnh và
mối đe dọa từ Liên Xô cũ, và có lẽ đóng vai trò quan trọng hơn cả là sự
thống trị không có đối thủ của kinh tế Mỹ trong suốt thập niên 1950 và
1960 vì cả châu Âu và Nhật Bản đều đang bận tự cứu tránh khỏi đống đổ
nát sau chiến tranh.