Thế kết quả là chúng ta đang ở đâu? Về lý thuyết, đảng Cộng hòa cũng
có thể có một người như Clinton - một lãnh tụ trung hữu cũng theo quan
điểm tài khóa bảo thủ của Clinton, nhưng sẽ hăng hái chấn chỉnh bộ máy
quan liêu của liên bang, tiến hành thử nghiệm giải pháp dựa vào thị trường
hoặc tín ngưỡng cho các chính sách xã hội. Và thực tế một người như vậy
có thể sẽ xuất hiện. Không phải tất cả những quan chức được bầu của đảng
Cộng hòa đều tán thành các nguyên lý của phong trào bảo thủ hiện nay. Ở
cả Thượng viện, Hạ viện và các thủ phủ bang trên cả nước, luôn có nhưng
người trung thành với giá trị truyền thống của tính ôn hòa và thận trọng - họ
hiểu rằng cắt giảm thuế đối với người giàu là vô trách nhiệm, không thể
giảm tâm hụt ngân sách trên lưng người nghèo, tách biệt nhà thờ và nhà
nước sẽ tốt cho cả hai, bảo vệ môi trường và chủ nghĩa bảo thủ không xung
đột với nhau, và các chính sách ngoại giao nên dựa trên thực tế thay vì mơ
tưởng.
Nhưng những người Cộng hòa này không phải là người dẫn dắt cuộc
tranh luận trong sáu năm qua. Đặc trưng của ý thức cốt lõi của đảng Cộng
hòa ngày nay không phải “chủ nghĩa bảo thủ nhân ái” mà George Bush hứa
hẹn trong chiến dịch tranh cử năm 2000 mà là chủ nghĩa chuyên chế. Đó là
tư tưởng tôn sùng thị trường tự do, không thuế, không luật pháp, không
mạng lưới an sinh xã hội - thực chất là không có chính phủ, chỉ có những gì
cần thiết để bảo vệ tài sản cá nhân và bảo đảm an ninh quốc gia.
Đó còn là tư tưởng tôn sùng Thiên chúa giáo, một phong trào gây thu hút
nhờ gắn với vấn đề vô cùng phức tạp là nạo phá thai, nhưng chẳng bao lâu
mở rộng ra nhiều vấn đề khác; phong trào này không chỉ khẳng định Thiên
chúa giáo là tín ngưỡng chủ đạo của nước Mỹ mà còn cho rằng quan điểm
Thiên chúa giáo bảo thủ cực đoan
[42]
nên đóng vai trò định hướng chính
sách công. Quan điểm này không đếm xỉa đến bất cứ phương pháp tri giác
nào khác, dù đó là tác phẩm của các nhà thần học phe tự do, thành tựu của
Học viện Khoa học quốc gia hay những điều Thomas Jefferson đã nói.