Câu đó càng làm tôi rối trí. Tôi chợt nảy ra ý và hỏi có phải ông ta và cha
tôi là anh em sinh đôi không.
Ông bác Ebenezer vụt đứng dậy, mạnh tới mức làm cái thìa bằng sừng rơi
xuống đất:
— Tại sao mày nghĩ vậy? Mày hỏi vậy để làm gì? – Ông ta hét lên và
nắm lấy cổ áo tôi, nhìn tôi chằm chằm, hai con mắt như mắt chim của ông ta
ánh lên nét giận dữ.
— Ngài muốn nói gì vậy? – Tôi bình tĩnh hỏi, vì tôi to khỏe hơn ông ta
nhiều và tôi cũng không dễ sợ hãi – Hãy bỏ áo tôi ra! Ông đối xử tốt quá
nhỉ!
Rõ ràng ông bác tôi phải cố gắng hết sức để tự kiềm chế mình.
— Trời ơi, David! – Ông ta kêu lên – Mày không nên nói với tao về bố
mày – Đó là một lỗi lầm. Ông ta là em độc nhất của tao.
Ông ta ngồi yên lặng một lúc lâu, nhìn trân trân vào cái đĩa và tôi thấy
ông bác tôi đang run.
Việc ông ta nắm cổ áo tôi và bỗng nhiên lại nói là rất yêu người cha quá
cố của tôi đã vượt quá khả năng tự chủ của tôi, nó làm tôi vừa sợ vừa tự tin.
Một mặt tôi nghĩ có lẽ ông bác mình bị bệnh tâm thần và có thể rất nguy
hiểm, mặt khác một câu chuyện hấp dẫn về một cậu bé nghèo bị người họ
hàng quá độc ác cướp mất quyền thừa kế và của cải đã hình thành trong đầu
tôi, mặc dù tôi không muốn và tìm cách gạt nó đi. Vì sao ông bác tôi lại diễn
một vở bi hài kịch với một đứa cháu, được vào nhà gần như một kẻ ăn xin,
nếu trong lòng ông không có nguyên cớ để sợ nó?
Với kết luận đó, tuy không muốn coi là thật nhưng lại luôn nghĩ trong
đầu, tôi bắt đầu quan sát ông ta bằng đôi mắt bí hiểm. Chúng tôi như mèo và
chuột, ngồi cùng bàn, kẻ nọ ngầm quan sát người kia. Ông ta hình như
không có gì đê nói nữa, cả điều tốt lẫn điều xấu, nhưng mà ông ta suy nghĩ
ngầm và chúng tôi càng ngồi lâu, càng quan sát kỹ hơn, tôi càng thấy rõ là
ông ta có cái gì đó chống lại tôi.