cảnh đối chiếu với anh em lao 2, thúc đẩy anh em đấu tranh chống địch.
Ngọn cờ tiên phong của Đảng ở trong tù, chúng tôi phải nắm giữ và giương
cao, ngọn cờ ấy đã nhuộm máu hàng ngàn đồng chí ta sau bao nhiêu năm
chiến đấu ác liệt.
Chúng tôi cố sống. Những lúc có việc gì ra ngoài, chúng tôi bứt cả
những đọt rau sam mọc bên đống cứt để ăn. Không ăn thì chết mau hơn. Ăn
bẩn đấy nhưng sống dai hơn một chút.
Đến nay, tôi cũng ho ra máu rồi! Sáu người chúng tôi đều ho ra máu,
nhưng anh Hiếu bị nặng nhất.
Vào khoảng ngày 17, 18 tháng chạp năm 1961, anh Hiếu ốm kịch liệt.
Anh thổ máu ồng ộc, một ngày mấy lần.
Lúc này, do bên lao 2 có 65 anh chống ký "kiến nghị" bị nhốt chuồng
cọp cho nên chật chỗ, chúng tôi phải ở chung. Tôi và anh Bình ở một gian,
cạnh anh Hiếu. Anh Hiếu vì ốm nặng vẫn ở một mình. Chúng tôi nghe rất
rõ anh Hiếu mỗi lần ợ ra máu lại kêu: "Sắp chết rồi... máu ra cả tô...".
Chúng tôi thương anh Hiếu vô cùng. Anh là một con người mà tất cả
chúng tôi đều hết sức quý trọng, mến phục. Trong dịp anh em góp ý thảo
đường lối đấu tranh chung ở chuồng cọp, ý kiến của anh Hiếu đúng nhất,
vững nhất, tiêu biểu nhất.
Những lúc nghe anh kêu: "Chết thôi... máu ra hàng tô..." tôi lại thấy
quặn đau trong lòng. Chúng tôi ai cũng sẵn sàng nhận lấy cái chết, song nó
đã đến với anh Hiếu trước. Nằm nghĩ đến anh, tôi lại nghẹn ngào. Anh tuy
đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng đôi mắt vẫn đẹp lạ thường: trong xanh,
không một chút vẩn đục. Con mắt anh rất nhiều tình, chân thành, hồn hậu.
Đã nhiều lần nhìn mắt anh, tôi có cảm giác thấy rất rõ ở đó rằng anh lấy
làm vinh dự được chiến đấu ở chuồng cọp.