Lúc tắm xong trở vào, cánh cửa của gian Hà Minh Trí đã đóng. Nhưng
tôi vẫn còn thấy hiện lên trên nền cửa sắt đen ngòm hai con mắt của Trí
đang nhìn tôi, hai con mắt mừng, thương, sững sờ... Từ đó, hai chúng tôi
không gặp lại nhau nữa! Nghe đâu sau này anh cũng ra tù.
Hồi này, địch đưa ra Côn Đảo một số người tham gia vụ đảo chính hụt
ngày 11 tháng 11 như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Phan Trọng
Chinh... Địch lấy một vài người trong đám này ra làm việc ở ban an ninh,
tức là điều tra, khai thác tù chính trị. Tên Phan Trọng Chinh vào chuồng
cọp làm cái việc đó.
Chinh là con trai Phan Trọng Vinh, một nhân vật quan trọng của Việt
Nam Quốc dân đảng thời kỳ 1945 - 1946. Vinh theo Lư Hán về Hà Nội làm
loạn và khi Lư Hán rút đi, Vinh lại theo đi. Chinh nói với chúng tôi:
- Chúng tôi lúc bấy giờ, chà chà, có lực lượng lắm, đã nắm chính
quyền ở một số tỉnh... Chúng tôi bị thất bại là rất đau. Ông bố tôi lúc chết đi
có trối lại cho tôi một câu chí lý, uyên thâm lắm. Cái câu thế này: "Cái việc
nên làm cũng là chính trị, cái việc không nên làm cũng là chính trị...". Hay
thật, ngẫm ra câu nói hay thật...
Tên Chinh này sặc mùi phản động. Nó thù cộng sản đến xương tủy.
Nó thích đem lý luận ra tranh cãi với chúng tôi. Nhưng chúng tôi toàn
tránh, không hơi đâu cãi nhau với nó. Nó đắc ý nói với bọn công an:
- Tưởng đâu ghê gớm thế nào nhưng thảo luận thì thấy trình độ cũng
xoàng...
Chính thằng này đã có lần nói với Hà Minh Trí và tôi nghe thấy:
- Anh Trí, anh có nhận rằng những người "quốc gia" chúng mình tồi
không? Tồi lắm, anh ạ! Lúc chưa bị bắt thì thế này thế nọ, lúc bị bắt thì
chưa ăn cái tát đã khai ra ông ổng. Như ông Đán ấy, khai ra có đến mấy
trăm người... Khi vào tù thì làm đơn xin Diệm, Nhu tha lỗi, xin được ra tù