hớ hênh... Đấy nội dung của các biển quảng cáo... Xe lượn một cái khá
ngoặt, nghiêng đi. Tránh một đống rác ở đầu ngõ. Mỗi đầu ngõ hẻm, một
đống rác lù lù. Cái cảnh bình thường này, gần như một bộ phận không thể
thiếu của Sài Gòn, chẳng khác những bục cảnh sát chỉ đường. Những đống
rác tú ụ, mỗi khi xe chạy qua, ruồi bay cất lên từng đàn a a, đen ngòm cả
cửa kính. Chiếc xe tắc xi tôi đi từ nãy đã đè phải mấy cái bọc giấy. Mỗi bận
bác tài lại lạu bạu chửi khẽ ở trong mồm và những người đi đường ù té
nhảy vội lên hè. Thì ra xe đè phải các bọc cứt. Cứt phọt bắn ra tung toé, lên
cả xe. Sài Gòn rất nhiều nhà không có cầu tiêu. Cách tốt nhất là gói vào
giấy quẳng ra đường làm của công cộng. Thảo nào, khi ở dưới tàu há mồm,
anh em lao 2 dặn đi dặn lại chúng tôi: "Về Sài Gòn, các anh đi đường mà
thấy gói giấy, bọc giấy thì chớ có nhặt. Nhặt là rầy đấy. Một là gói cứt, hai
là bọc trẻ đẻ hoang người ta vất đi, đường phố Sài Gòn giờ nhan nhản hai
thứ vô chủ ấy!".
Thêm nhiều ngôi nhà năm sáu tầng thật. Nhưng có điều tôi nhận thấy
ngay: không có những nhà đang xây, những nhà mới xây,... Hà, việc xây
nhà cửa ra cũng theo thời cuộc! Bây giờ rối ren hơn, ít ai dám xây nhà,
không như những năm 1954, 1955 trước.
Đến chỗ này, xe hơi cắm cờ Mỹ chạy như điên. Chúng phóng bạt tê,
vỏ rượu ở trong xe lẳng ra ngoài lăn long lóc... Trên sân thượng một tòa
nhà bốn tầng, mấy người Mỹ, đàn ông, đàn bà, trẻ con đứng ngó xuống. Tôi
bất giác nhớ đến tên Mỹ trẻ, đeo kính trắng đứng trong chuồng cu tàu há
mồm nhìn xuống đám tù chúng tôi năm nào. Tôi lẩm bẩm: "Hừ, quân xâm
lược vào khá đông rồi!". Tôi vội chột dạ liếc nhìn bác tài. Bác ta có nghe
thấy không? Bác ta đang mải tránh một xe hiến binh Mỹ lồng lên chồm
chồm ở giữa lòng đường. Không có chút thiện cảm nào đối với bọn Mỹ
trong con mắt của bác ta cả.
Hôm ấy, tôi và anh Bình gặp nhau. Ngày mai chúng tôi lên đường ra
vùng giải phóng. Ngày mai bao nhiêu? Ngày mai, mồng 2 tháng 5...