***
Trời còn sớm, tôi đã chia tay vợ chồng ông Y. Hai cháu nhỏ còn đang
ngủ ngon, tôi vuốt tóc hai cháu đi ra cửa. Xe đã đến đón tôi và đang đậu ở
ngoài kia. Hai anh Bình và Một ngồi chễm chệ trên xe rồi.
Vừa tới cửa, tôi dừng ngay lại. Một tiếng nổ rất to đinh tai làm cho
ngôi nhà đung đưa. Các cánh cửa rung lên và kính kêu lanh canh một lúc
lâu. Ông Y nói với theo tôi:
- Lại có thằng Mỹ về chầu ông vải!
Chiếc xe du lịch khá sang đưa chúng tôi ra "xa lộ" Biên Hòa. Ở tù, tôi
đã nghe nói đến cái sân bay phản lực trá hình này đây. Không biết hình thù
nó ra sao? Một vùng đất rộng và phẳng lì trải ra trước mắt. Ấn tượng trước
tiên là thấy một sân bay. Rồi sau mới lại thấy là đường. Người lái xe bảo
chúng tôi: "Biết bao gia đình, biết bao chùa chiền tan nát ở đây, các bác ạ,
rồi còn biết bao người tù đày, máu chảy đầu rơi ở đây nữa chứ!...". Tôi ngồi
thần ra, nhìn con đường giết người, con đường uống máu người này. Đâu
rồi những phố cũ, đâu rồi những dãy nhà hai bên đường này? Và đâu nữa,
núi Châu Thới? Núi Châu Thới bị bạt gần hết rồi. Chúng lấy đá núi làm "xa
lộ"... Hai bên "xa lộ" trống không, hiu quạnh. Im lìm, chỉ có tiếng bánh xe
lăn.
Chúng tôi lại vòng trở lại. Tới một chỗ hẹn khác rồi lại đi. Người lái
xe luôn tay chỉ cho chúng tôi xem những căn cứ của Mỹ. Đây căn cứ Mỹ,
kia căn cứ Mỹ. Đó, dãy nhà trắng tinh đó, căn cứ Mỹ...; kia, đoàn xe đậu ở
chỗ quành ngã ba kia là xe của phái đoàn Mỹ... Hết căn cứ Mỹ lại "ấp chiến
lược". Những tấm biển sơn kẻ chữ cắm bên đường "Ấp chiến lược số 7",
"Ấp chiến lược số 3", "Ấp chiến lược số 69"... "Ấp chiến lược" khác nhau
chỉ ở con số, còn giống nhau như đúc ra từ một khuôn. Một con hào rộng
mươi thước ngập nước, những hàng dây thép gai rất dày, sau đó một bờ con
chạch tua tủa chông gai và nhọn hoắt... Sau bờ con chạch cắm chông lại