khơi, phơi trắng xương chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước, tôi nào
còn lạ!
Lòng trào lên nỗi nhớ Sài Gòn, nỗi nhớ đồng chí, nhớ vợ, nhớ con.
Phảng phất ý nghĩ: thôi chuyến đi đảo lần này chắc sẽ vùi thây ở đó.
Khỏi bến Hàm Tử, sóng bắt đầu nhồi mạnh. Tầu lắc. Chim biển bay,
tung những đôi cánh trắng muốt. Én liệng uyển chuyển, sà thấp xuống mạn
tầu. Nắng rót đầy khoang. Cảnh đẹp này thật trái với tình người.
Sóng vỗ vào thân tầu thình thình, đều đặn. Sóng chờm lên, rũ bờm
ngầu trắng rồi hùng hổ đổ thác xuống chúng tôi. Chỉ vài con sóng, chúng
tôi đã ướt sũng từ đầu đến chân. Máy bay phản lực Mỹ hộ tống con tầu một
quãng, rít lên như xé không khí.
Tôi nhớ lại lần đi đày đầu tiên ra Côn Lôn, cách đây 16 năm. Có lẽ
cũng một tuyến đường này, cũng cái màu xanh của biển này, cũng những
bọt sóng này. Nhưng lần ấy, chúng tôi hơn một trăm người không bị còng,
ngồi tầu buôn lớn, đi cùng hành khách. Mấy phụ nữ Pháp hỏi chúng tôi vì
sao phải tù. Chúng tôi nói chúng tôi là người của Mặt trận Việt Nam độc
lập đồng minh, trong phe đồng minh, đánh Pháp đuổi Nhật, giành độc lập
dân tộc. Họ tỏ vẻ kính trọng và biếu chúng tôi khá nhiều thuốc lá... Bây giờ
chúng tôi chui rúc trong đáy tầu, ướt đẫm. Tự nhiên hai cảnh xưa và nay
hiện lên rõ rệt trước mắt tôi. Hình ảnh Côn Đảo trước đây tôi từng sống và
hình ảnh Côn Đảo hiện nay tôi mới nghe nói, có lúc hầu như nhòa làm một,
có lúc lại chia ra rành rọt. Rồi cái viễn cảnh ghê rợn của sự đày ải, chết
chóc thình lình nhào đến, đen tối.
Anh em tù say sóng nôn mửa. Những người ốm nằm li bì, vật vã.
Những người khỏe ngồi mệt lả, ôm lấy gói đồ nghèo nàn vào bụng để che
nước. Thằng Trị ăn bớt của tù, chỉ phát cho mỗi người ra đảo một ổ bánh
mì và một miếng đường thẻ. Nhưng không ai thấy đói vì không tài nào ăn
được lúc này.