Mặt trời mọc ở biển rất nhanh. Chốc lát, Côn Đảo đã dựng lên lù lù
trước mặt, rõ cây, rõ nhà, rõ đường đi, dây điện. Tôi đứng dậy ngó lên. Núi
Chúa vẫn nghiêm trang. Núi Lò Vôi vẫn sừng sững. Mùa đông, cây trụi lá
để lộ ra từng mảng núi đá xám lạnh. Kia cầu tầu, kia lao 1, nhà thương, kia
đường đi An Hải ra Đầm, kia đường đi Lò Vôi ra tới Hàng Dương. Chao,
cảnh vật hệt như xưa, cũng bức tường ấy, mái nhà đỏ ấy, cũng ngọn cây và
hình như cũng cả đám mây ấy nữa. Nhưng gặp cảnh quen này, lòng tôi thấy
rầu, thấy ngán làm sao!
Sà lan từ đảo áp vào tầu. Một thằng sĩ quan, trung úy Vận, dẫn đầu
một tốp lính và công an leo lên, vào cabin nói chuyện với thằng Kỳ, hoa
chân múa tay. Còn tù chúng tôi thì lần lượt bám dây thừng tụt xuống sà lan.
Mấy chục người Thủ Đức cố tìm cách ngồi gần nhau để có cơ được về
cùng một "trại".
Sà lan cập cầu tầu. Chúng tôi tay xách túi áo quần, tay bám đá leo lên.
Nước cạn, cầu cao, leo rất chật vật. Riêng tôi, khi bám những phiến đá hộc
của cầu tầu, lại nhớ đến biết bao kỷ niệm. Nhớ đến những người tù xe đá ra
làm cầu này và chết gục ở đây. Mỗi phiến đá giá trị một mạng người. Nhớ
đến ngày Cách mạng Tháng Tám. Ôi cái ngày huy hoàng bậc nhất trong
một đời người. Hôm ấy, tôi đứng ở chính cái cầu tầu này, ở chỗ bên trái tôi
hôm nay đây, để chờ tầu Phú Quốc và ba mươi chiếc thuyền từ đất liền ra
đón. Đoàn đại biểu tù Côn Đảo do anh Phạm Hùng dẫn đầu. Đoàn đại biểu
chính quyền cách mạng từ đất liền ra do anh Tưởng Dân Bảo dẫn đầu.
Đoàn tầu, thuyền nườm nượp giương buồm lướt tới. Cờ đỏ sao vàng phấp
phới, vẫy vùng trên biển cả. Hai đoàn đại biểu nhảy lên reo hò. Từ tít xa,
hai đoàn đại biểu bắn súng sáu chỉ thiên để chào mừng nhau. Tiếng reo hò,
tiếng súng nổ vang. Côn Đảo thấy niềm vui của con người như thế nào là
trong những ngày ấy.
Tại cái cầu tầu này, lúc tôi ở kíp thuộc da, tôi vẫn chiều chiều ra đứng
ngắm nhìn hoàng hôn trên biển cả. Mặt trời lặn rồi, chỉ còn ánh đỏ nhuộm