Zotov thở dài và với tay buông tầm sáo che ánh sáng trên cửa sổ
xuống, chàng thật nhẹ tay, thận trọng đẩy tầm sáo cho sát vào cánh cửa,
không gây tiếng động nào.
Đấy là một điều chàng không hiểu được – nó làm chàng buồn lòng, có
khi còn làm cho chàng cảm thấy cô độc nữa. Tất cả những con người bận
rộn chung quanh chàng xem ra có vẻ nghe các bản thông cáo với một nỗi
buồn thê thiết đúng y như chàng rồi lắng lặng rời xa các ống loa khuyếch
thanh trong lòng cũng trĩu nặng nỗi niềm đau đớn như chàng, không nói ra
được. Nhưng Zotov nhận thấy có điều khác lạ là: những người ở chung
quanh chàng đây, dường như nhờ ở một điều gì đó mà sống được, chứ
không phải sống vì những tin tức từ mặt trận gửi về, họ bới khoai, vắt sữa
bò, xả gỗ, sơn cửa… Và họ nói chuyện với nhau về những công việc ấy
dường như còn hệ trọng đối với họ nhiều hơn là các tin tức từ mặt trận gửi
về.
Đúng là con mụ già ngu ngốc! Thì ra mụ giấu giếm được vài hòn than,
cho nên bây giờ chẳng sợ gì cả nữa. Chắc mụ cũng chẳng thèm sợ cả những
xe tăng của tướng Đức Guderian?
Gió vật vã cái cây ở cạnh nhà kho rập cánh cửa sổ đằng trước nghe
rầm rầm chói tai.
Zotov hạ hết tầm sáo che ánh sáng xuống, rồi vặn đèn. Căn phòng
sạch sẽ không rộng không hẹp trở nên dễ chịu thoải mái, có vẻ yên ổn, và
tâm tư của chàng trở lại vui tươi.
Ngay dưới ngọn đèn, là bàn giấy của viên sĩ quan, đằng sau cái bàn là
lò than, kệ đựng giấy tờ: gần cửa sổ là một trong những chiếc ghế tràng kỷ
kiểu cổ bằng gỗ sồi, có lưng tựa khắc sơ sài hình ảnh một đường hỏa xa.
Cũng có đêm Zotov ngủ trên chiếc ghế trường kỷ ấy, dù rằng chàng lúc nào
cũng rất bận rộn. Trong phòng còn có thêm hai chiếc ghế đẩu. Giữa hai
khung cửa sổ là bức chân dung Kaganovich vẽ mẫu, Kaganovich mặc bộ