Ở chỗ cửa sổ bên kia, trên con đường chạy dọc bức tường nhà kho, có
một cây sồi non. Cái cây bị gió xoắn vặn, sũng nước, và những chiếc lá
thẫm mầu cuối cùng bây giờ cũng bị gió bứt đi nốt.
Không còn thì giờ để đứng và nhìn mãi như vậy, Trung úy đã hạ cuộn
giấy che bớt ánh sáng xuống hướng ánh đèn cho đúng chỗ rồi ngồi xuống
làm việc. Trước khi ông rời bàn giấy vào hồi 9 giờ đêm, ông đã làm việc
đầy đủ lắm rồi.
Nhưng thay vì hạ chao đèn che bớt ánh sáng ông lại bỏ mũ, mũ ông là
mũ sĩ quan có lưỡi trai màu xanh, ông có thời quen cứ đội nguyên mũ ngồi
làm việc tại bàn giấy. Ông bỏ kính đeo mắt ra và đứng đấy chậm chậm giơ
tay dụi mắt, cặp mắt ông đã mệt mỏi với công việc chép những con số mật
mã hàng hóa vận chuyển từ một bản danh sách quay ronéo sang một bản
giấy khác. Không, không phải là mệt mỏi, mà là một thứ buồn bã dai dẳng
nó chậm chậm dâng lên từ cái ánh sáng nhá nhem ốm yếu nầy rồi nó bám
vào người ông.
Mối buồn ray rứt cũng không phải ông buồn vì vợ ông lúc này một
mình ở lại tận Belorussia hiện nằm trong tay quân Đức; vợ đang có thai.
Mối buồn của ông cũng không phải là vì những nhớ tiếc về dĩ vãng bởi vì
ông chẳng có dĩ vãng nào để mà luyến tiếc. Mối buồn cũng không phải vì
ông tiêu tan tài sản, vì chẳng bao giờ ông có tài sản gì, và cũng chẳng bao
giờ ông mơ ước có tài sản.
Nỗi chán chường của Zotov chẳng cần gào to lên cho bớt trĩu nặng
trong lòng chính là vì chiến tranh mà ra, khó lòng thoát ra được dòng lôi
cuốn của chiến tranh. Thật không thể nào hiểu rõ được tuyến đầu chiến trận
ở đâu qua các bản thông cáo của Xô Viết do cơ quan Thông tin phổ biến, và
cũng hoàn toàn không rõ Khaslov và Kaluga ai là người soạn ra các bản
thông cáo ấy. Nhưng đám người hỏa xa thì lại biết rất chắc là các chuyến
tầu không còn đi quá Uzlovaya trên đường Tula nữa, và quá Yelets thì các
chuyến tầu cũng lắm là tới Verkhovye mà thôi. Máy bay oanh tạc lúc hiện