Em ngoan ngoãn nghe lời tôi ra sân ngồi chơi với chiếc xích đu, đều
đặn tung tẩy người xuống lên. Từ cửa phòng tôi nhìn ra là mảnh sân sau
của chùa. Cuối sân là một cái cổng gỗ, chỉ cao chừng bằng em thôi. Cổng
này thông ra một con hẻm nhỏ như bao nhiêu con hẻm khác của thị xã,
những sự việc nơi đây dễ thương cũng có và muộn phiền cũng có. Mảnh
sân có lót gạch tàu đỏ đỏ, vuông vuông, rêu rêu, cũ cũ... chỉ có bàn chân em
hay chạy nhảy trong sân là mới hơn qua mỗi ngày nắng lên. Góc sân có
mấy chậu hoa quỳnh, mấy chậu cúc, mấy giò lan và một nẹp đất dọc theo
vách tường tha hồ cho rau càng cua, hoa cúc dại, cỏ dại chen nhau mọc lên,
nhìn nẹp đất đó là có vẻ đông vui nhất trong cái sân chùa cổ kính này.
May quá, tôi tìm được cái túi đựng đồng xu rồi. Thích mấy cái đồng
xu kêu lanh canh, tôi đổi cả túi xu năm trăm đồng để dành gửi xe đạp đi
học. Mỗi lần đặt đồng xu vô tay ai đó, tôi có cảm giác lạ lắm, không chỉ
đơn giản là xin-cho, bán-mua... Còn đúng mười hai đồng xu, may quá, năm
nay em cũng mười hai tuổi.
- Phương ơi, vào đây. Phương muốn chúc gì tôi?
- Em chúc anh năm mới sẽ học giỏi nè, mạnh khỏe nè, vui thật vui và
có nhiều tiền lì xì nữa!
Tôi cười mỉm mỉm. Em hồn nhiên quá đến mức không nhớ tôi già rồi
sao. Tôi học cao hơn lớp mười hai rồi, em ạ! Từ rất lâu tôi đã quên mất
chuyện nhận lì xì và trước em, tôi chưa bao giờ phải lì xì cho ai đó. Chưa
đầy một tiếng đồng hồ sáng mùng một, em mang đến cho tôi cả hai chuyện
đầu tiên: Adi đà Phật và lì xì. Chắc còn nữa phải không em?
Tôi trao cho em phong bao lì xì dã chiến tôi vừa gấp bằng tờ giấy tập
rồi quẹt vài nhát cọ màu đỏ lên. Trông nó xấu xí thế mà em lại thích thú,
cười thật tươi, cứ cố ý tạo ra âm thanh leng keng leng keng rộn ràng cả buổi
trưa mùng một đang đến.
- Em sẽ giữ tiền lì xì của anh làm kỷ niệm chứ không xài đâu! Nhưng
anh phải chúc Tết lại cho em chứ!
- Phương muốn tôi chúc gì?
- Năm ngoái em chưa chuyển đến đây nên chưa được anh chúc Tết.
Anh chúc gì gì cũng được nhưng chúc gấp đôi nhé!