thể làm tắc ống thoát khí, động cơ quá nóng sẽ chết máy. Cũng có thể sẽ
đâm vào một cái hố.
Sau khi lượn một lúc, tôi phát hiện một cánh rừng thưa thuận tiện. Trong
khi đó, Mốt-sa-lốp đã đi đến một con đường dẫn đến một làng. Khi tôi bắt
đầu hạ thấp độ cao để xuống, anh ra hiệu cho tôi đừng hạ cánh và bay về
hướng đông. Sau khi xác minh chắc chắn rằng xóm làng anh đang đi đến do
bộ đội ta chiếm đóng, tôi bay về sân bay.
Nhưng Mốt-sa-lốp không trở về đơn vị. Cái gì đã xảy ra với anh và bây
giờ anh ở đâu, tôi không hiểu rõ. Tôi mãi mãi tự trách mình không hạ cánh
để cứu anh lên.
Hai A-lếch-xan Mốt-sa-lốp... Nhìn người này lại nhớ đến người kia, và
tôi xét lại hoàn cảnh, tôi xây dựng các giả thuyết mà không tìm được câu
trả lời rõ ràng cho những câu hỏi vẫn dày vò mình.
Sự việc vừa xảy đến với Pa-xkê-i-ép cũng gây cho tôi nhiều lo âu. Trong
một trận đánh, cậu ta đã nhảy dù từ chiếc máy bay đang bốc lửa. Chúng tôi
còn nhớ lại lần ấy, cái ngày mà máy bay Gioong-ke tập kích vào sân bay
Bi-en-xư, Pa-xkê-i-ép mất tinh thần, nhảy xuống con ngòi dầm mình, nước
đến cổ. Bạn bè chế giễu cậu ta.
Nhưng “căn bệnh” của Pa-xkê-i-ép đã qua lâu rồi. Cậu ta đã nhiều lần
bay đi trinh sát và đã nhiều lần đánh thắng. Trong trận đọ sức cuối cùng với
kẻ địch, cậu ta đã chiến đấu rất dũng cảm.
Pa-xkê-i-ép được các nông trang viên cứu và đưa về sân bay. Bị bỏng
nặg, cậu ta không hề rên một tiếng, chỉ nằm yên trong thùng xe tải. Rồi cậu
ta được đưa ngay tới bệnh viện.
Phải, những người lái trẻ đã quen dần với chiến tranh, đã được tôi luyện
trong lò lửa chiến tranh và chiến đấu không tiếc sức mình. Nhưng trường
hợp Pa-xkê-i-ép đưa luồng suy nghĩ của tôi đến một hướng khác: nếu các
phi công trẻ tiếp tục bay với một cường độ quá sức như vậy thì chúng tôi sẽ
mất họ dần dần. Lao lực thái quá làm cùn sức chú ý, làm sai lệch những
phản xạ trong những tình huống thay đổi của tình hình trên không.