đồ, trên bàn để các mô hình máy bay ném bom và máy bay tiêm kích địch.
Clu-bốp, Tơ-rô-phi-mốp, Giéc-đi-ép và Kê-tốp sắp sửa kết thúc công tác
chuẩn bị cho bay chiến đấu. Riêng Vi-át-se-xláp Bê-ri-ô-dơ-kin học không
đạt. Cậu ta buồn, cảm thấy người ta sẽ trả mình về trung đoàn dự bị. Một
hôm cậu ấy tìm tôi, gần như khóc và hỏi:
- Đồng chí đại úy, cho phép tôi được bay?
Không biết nên trả lời thế nào. Tôi cũng phiền lòng khi nghĩ đến chuyện
phải “thải” chàng trai này bằng cách cho cậu ta bản nhận xét “học không
đạt”. Tôi hứa sẽ quan tâm đến cậu ta, nhưng rồi nhiệm vụ chiến đấu đã làm
đảo lộn cả.
Một lần, Cô-rốt-cốp, phụ trách thanh niên trung đoàn, lại hỏi tôi câu ấy:
“Khi nào đồng chí cho phép Bê-ri-ô-dơ-kin bay?” Anh nói là anh có nhiệm
vụ trao đổi ý kiến với tôi về câu chuyện này, bởi vì trong phiên họp thanh
niên, trường hợp của Bê-ri-ô-dơ-kin được nêu ra, theo đề nghị của chính
anh. Anh báo cáo: đã là thanh niên Côm-xô-môn thì không có quyền chỉ
lang thang không làm gì trên sân bay, trong khi những người khác chiến
đấu.
Từ hôm ấy, tôi quan tâm hơn đến Bê-ri-ô-dơ-kin. Tôi chưa muốn cử cậu
ta đi làm nhiệm vụ với một tốp mà chưa được chuẩn bị chu đáo. Điều tôi
ngại hơn cả là đưa một phi công trẻ vào một việc nguy hiểm chết người
ngay lần bay đầu tiên. Nếu như cậu ta có thể vượt qua được chuyến thử
thách như vậy thì bản năng tự vệ sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề sau này
đối với cậu ta. Cái bản năng có thể làm tê liệt con người ở thời điểm nguy
ngập, người phi công không thể lấy lại sự tự tin, Sự táo bạo cần thiết, và có
thể bị hy sinh trong những trường hợp mà anh ta có thể dễ dàng thoát ra
khỏi tình thế nguy hiểm.
- Chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện cậu ấy từ ngày mai - Tôi nói với Cô-
rốt-cốp và cả với Bê-ri-ô-dơ-kin.
Nhưng ngày hôm sau nữa cũng chưa được, và cả một tuần lễ sau, tôi vẫn
chưa bay được cùng Bê-ri-ô-dơ-kin.