- Chào đồng chí phi công. Cách đây ba mươi năm, cũng có những phi
công Nga đến ở đây. Vào thời ấy, bọn Đức gây chiến tranh với ta. Ne-xtê-
rốp đã bay trên Ra-va Rút-xơ-ca và ông ấy đã lao máy bay vào một tên địch
trên bầu trời Giốp-cơ-va.
Tôi không hiểu tất cả mọi điều cụ già nói, nhưng “phi công Ne-xtê-rốp”,
những tiếng đó được nhắc đi nhắc lại ở cửa miệng ông cụ, làm cho tôi hiểu
rằng cụ già nông dân U-cra-i-na đã giữ trong óc nhiều sự kiện lịch sử về
không quân chúng ta. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện trong căn phòng, trước
một tấm bản đồ. Tôi chỉ cho cụ thành phố Goóc-ki, nói để cụ biết rằng tôi
vừa ở đấy và đã gặp con gái của nhà phi công lừng danh. Cụ cũng chỉ vào
bản đồ, kể lại bằng những từ ngữ cụ thể và rất đẹp về trận không chiến của
những năm xa xôi ấy, lúc chiếc máy bay Nga lao vào chiếc máy bay Đức.
Qua câu chuyện, tôi giữ một kỷ niệm sung sướng: những người dân U-
cra-i-na đã giữ gìn cẩn thận biết bao trong ký ức của mình chiến công oanh
liệt của người phi công Nga đó.
Từng tốp, từng tốp máy bay của các trung đoàn, bay đi bảo vệ những xe
tăng. Cuộc tiến công của bộ đội mặt đất vẫn tiếp tục.
Một đoàn xe dài ngăn đường chúng tôi từ cơ quan tham mưu ra sân bay.
Các chị phụ nữ, các cháu, những cụ già ngồi ngất ngưởng trên những xe
ngựa đầy rơm rạ. Vài chiếc xe còn dắt theo cả những con bò cái và cừu.
Quang cảnh này làm tôi nhớ lại cái cảnh tôi đã có dịp trông thấy trên bờ
sông Đơ-nhi-ép vào năm 1941. “Những người nông dân sơ tán từ khu vực
mặt trận - tôi suy nghĩ - hoặc có thể họ tránh bộ đội ta lui về phía sau".
Tôi dừng xe lại. Những bác nông dân đi trên các xe bò vây quanh ngay
lấy tôi. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng, tôi cũng nhận ra đó là những người dân
Ba Lan. Dưới ách chiếm đóng của bọn phát xít, bọn thổ phỉ đã lôi họ ra
khỏi quê hương làng xóm, và bây giờ họ trở về, nhưng chưa dám lại gần
những căn nhà ở. Chỗ ở lưu động đối với họ là nơi trú ẩn còn chắc chắn
hơn là trong những căn lều.