- Không được' dộng đến nó, I-van? - Bà hét lên và đứng chắn trước mặt
cha tôi..
Chiếc thắt lưng bay vào một góc, nhưng bữa ăn kết thúc bằng một cuộc
cãi lộn trong gia đình.
Điều lạ lùng là bà tôi lại nhìn giấc mơ của tôi bằng con mắt khác. Bà yêu
quý tất cả chúng tôi, các cháu nội, nhưng tôi được bà cưng hơn cả. Có thể
bởi vì, như mọi người nói, tôi rất giống ông nội tôi. Mỗi khi đứng gần bà,
bà ôm tôi vào lòng, tay se sẽ vuốt mái đầu tôi, rồi trầm ngâm nói: “ôi, thằng
cháu đáng thương nhỏ bé của bà”. Những lúc đó, đôi mắt ưu phiền của bà
rơm rớm nước mắt.
Tôi đoán là hình ảnh tôi giống ông nội có thể làm bà nhớ lại cuộc sống
khổ cực vốn là số phận của ông bà, những người nông dân phải di cư đến
Xi-bê-ri. Nhưng bà tôi thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện về cuộc đời
của ông. Nhờ bà, tôi hiểu hết lịch sử cuộc đời ông, những nỗi khổ cực của
ông để tìm kiếm chút hạnh phúc, trong những vùng xa lạ không chiều
người của Xi-bê-ri.
Vào một năm mất mùa, cái thiên tai thường xảy ra khắp những quận
huyện của miền trung nước Nga, ông bà tôi cùng người con nhỏ, chính là
cha tôi sau này, nhập vào đoàn người đói khát đi đến Xi-bê-ri. Sau nhiều
chặng đường dài, theo những con đường đầy cát bụi, họ đến bờ sông Ô-bi
và dừng lại trú ngụ sinh sống trong cái thị trấn nhỏ cùng tận. Cái thị trấn
sinh ra ngay tại chỗ một xóm dân chài, ngay cạnh chiếc cầu nối qua sông
Ô-bi, đã lớn lên nhanh chóng nhờ những ngôi nhà nhỏ dựng lên cho những
người di cư đổ xô đến tìm kiếm việc làm.
Đó là thời kỳ xây dựng đường sắt xuyên Xi-bê-ri, ông tôi, một con người
rất lực lưỡng, lại là thợ nề giỏi, nhanh chóng kiếm được việc làm. Ông làm
ở khu xây dựng nhà ga và cũng xây lò sưởi trong những ngôi nhà khác.
Ở giữa ngã sông và con đường sắt lớn, thị trấn phình ra nhanh chóng và
trở thành cái thành phố nhỏ Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-ca.
Cha tôi cũng lớn lên và bắt đầu làm thợ nề với ông tôi.