Cái chết của anh tôi, người đã kiếm được tiền cho cái gia đình đông
người, buộc tôi phải đi làm, Người ta cho tôi đến học việc ở ông cậu, là thợ
lợp nhà .
Bị nghễnh ngãng vì tiếng đập của những lá tôn, cậu Pê-chi-a nhỏ bé và
gầy gò, những ngón tay sần sủi đen nhánh dầu lanh và sơn, được coi là
người thợ lợp nhà giỏi nhất thị xã. Làm với cậu, tôi nhanh chóng học được
nghề và bắt đầu giúp đỡ gia đình.
Cậu tôi rất thương tôi. Nhưng cậu thường quở trách tôi “cho phải phép”,
như cậu nói. Trên những nóc nhà cao, người ta thấy rất rõ các máy bay cất
hạ cánh và tôi thường bị quá thu hút vì quang cảnh đó đến quên công việc,
tiếng la của ông cậu làm tôi nhiều lần giật nảy mình.
- Này cần thận đấy, không thì mày cũng bay lên khỏi... mái tôn đó. Thôi,
đập búa đi!
Mùa hè năm sau, tôi được tuyển dụng làm thợ lợp ở công ty nhà cửa Xi-
bê-ri. Việc làm không thiếu, thành phố đang xây dựng, cần phải lợp mái
những tòa nhà ba tầng. Tôi thường làm thêm ngoài giờ.
Một buổi sáng, đi qua phố Crát-nhi sầm uất, dãy phố chính của thành
phố, tôi thấy qua cửa kính một tờ báo hàng ngày đăng thông báo liên quan
đến những điều kiện vào học ở một trường hàng không. Tôi đứng lại đọc,
như chôn chân tại chỗ vì ngạc nhiên. Tôi đọc đi đọc lại, không rời được
một bước chân. “Được nhận vào trường, những thí sinh đã hoàn thành hệ
trung học bảy năm”. Vậy tôi còn phải học xong chương trình. Lại còn một
điều kiện khác nữa: “và có nghề chuyên môn tiện, làm khóa hoặc nghề
mộc”.
Thất vọng, tôi đi lang thang trên phố sá. Với cái nghề của mình, tôi sẽ
chẳng bao giờ trở thành phi công. Vĩnh biệt giấc mơ!
Leo trèo trên những mái nhà, ngày nào tôi cũng nghĩ đến tờ thông báo
đó, đến số phận trớ trêu, làm tôi tan nát cả cõi lòng. Làm thế nào? Muốn
vào học nghề chữa khóa hoặc thợ tiện phải được đăng ký với sở tìm việc
làm, lúc này là cơ quan chủ yếu phân phối nhân công giữa các xí nghiệp.