Chúng tôi đi dọc những chân móng sâu và rộng, những bức tường xây
dở: nhà máy đang mở rộng. Và đây là những tòa nhà lớn xưa kia chưa có: ở
đâu cũng nghe thấy tiếng kim loại; tiếng máy và tất cả toát lên không khí
hăng say làm việc. Trong khói mù những chùm lửa, tiếng đập dập vang
lừng nhịp điệu lao động.
Nhưng rồi tất cả chìm trong tiếng hoan hô như sấm của những người
đứng đón. Họ đã lập nên cái nhà máy đồ sộ nậy, họ cung cấp vũ khí cho
mặt trận, họ chờ quân đội chúng tôi đánh bại hoàn toàn kẻ thù. Chiến công
của chúng tôi trong những trận đánh khuyến khích họ, còn công việc cần cù
của họ, làn sóng trang bị, vũ khí chảy từ thành phố quê hương đến bờ sông
Vi-xla lại cổ vũ chúng tôi.
Họ chỉ cho tôi xem máy móc, đồ dùng hoàn toàn tự động. Tôi bắt tay họ,
nhìn những khuôn mặt mệt mỏi và hốc hác. Một phụ nữ trẻ ngước đôi mắt
đầy lệ nhìn tôi rồi vội quay đi, cúi xuống chiếc máy tiện. Đã đi quá mấy
bước nhưng tôi quay trở lại: chị đang khóc, mặt úp vào lòng bàn tay.
- Hôm qua, chị ấy mới nhận được giấy báo tử của chồng - Bốp-trôt-trúc
khe khẽ nói.
Thành phố hậu phương cảm thấy chiến tranh qua những khó khăn của
đời sống, qua nhịp độ khẩn trương làm việc và qua những tổn thất.
Trước mắt tôi là một tấm biển chữ to, kẻ vội vàng: “Làm việc cho chiến
thắng như Pô-crư-skin chiến đấu”. Những cô gái tươi vui quàng khăn đỏ,
rất giống những cô gái còn lại trong ký ức chúng tôi về thời kỳ kế hoạch
năm năm lần thứ nhất, đã tặng tôi những bông hoa của mùa thu Xi-bê-ri.
Tôi định dừng lại giây lát cạnh nơi làm việc của các cô để nói về những phi
công chúng tôi, cũng như sẵn sàng ghi cho các cô một số họ tên của những
bè bạn thuộc trung đoàn 16, đôi khi còn thiếu thốn một đôi lời săn sóc.
Nhưng tôi thấy phía trước còn nhiều khuôn mặt công nhân đang chờ bên
những cỗ máy. Họ cũng muốn ngó xem ba ngôi sao vàng trên ngực người
con của quê hương.