lỗ hổng ấy trong luyện tập. Khi đã tìm ra, tôi không còn bắn ra ngoài mục
tiêu nữa.
Và bây giờ, trong khi nằm chữa bệnh, tôi quyết định phải thu thập và
phân tích những kinh nghiệm chiến đấu đầu tiên, hồi tưởng lại những
chuyến bay mà tôi đã thực hiện cùng đồng đội. Trước hết tôi tự hỏi: vì sao
mình thường bị rủi ro sau mỗi lần gặp địch? Tôi tin rằng mình biết điều
khiển máy bay, vũ khí và không ai có thể trách tôi thiếu can đảm. Máy bay
nhìn chung là tốt. Vậy tại sao tôi thường trở về với những vết đạn và lần
cuối cùng này tôi phải đi bộ trở về? Phải có một nguyên nhân gì đó?
Hai phân bên cạnh cái chết? Đúng lần ấy. Phải, chính lần ấy tôi đã lao
mình vào giữa họng súng liên thanh của địch. Sau khi xuyên qua kính chắn
gió của chiếc Mích, viên đạn đã chui vào nằm trong máy ngắm. Chính máy
ngắm đã cứu tôi. Thật là hoàn toàn ngẫu nhiên?
Tôi nhớ lại cái chết, trong trường hợp tương tự của I-a-cốp-lép, một phi
công trong trung đoàn. .
Một tốp máy bay ném bom Đức bay trên Cô-tốp-xcơ ở không xa thành
phố, chúng tôi coi cuộc tập kích đường không của địch có triệu chứng
nhằm vào khu vực mình bảo vệ. Những chiếc Mích lần lượt cất cánh.
Lấy đến độ cao, chúng tôi nhìn thấy nhà ga Cô-tốp-xcơ bốc cháy. Muộn
mất rồi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục bay đến. Cũng còn tốt. Sau khi ném
bom, những chiếc gioong-ke đang tập hợp lại. Thấy chúng tôi, bọn chúng
liền khép chặt đội hình và nổ súng. Rất khó lại gần chúng.
Bất thình lình, một trong những chiếc tiêm kích của ta vọt lên trước, lao
qua lưới đạn dày đặc đến gần chiếc đi đầu. Đó là I-a-cốp-lép. Thật khó nói
điều gì đã thúc đẩy anh hành động như vậy. Lòng căm thù giặc và khát
vọng trả thù? Ý muốn là người đầu tiên xông vào chỗ nguy hiểm, lôi cuốn
đồng đội. Nhưng rõ ràng, hành động của anh rất cao thượng. I-a-cốp-lép đã
làm đúng như người lính bộ binh dũng cảm làm cho các bạn đồng đội bật
dậy trong một cuộc xung phong bằng lưỡi lê.