Bác Nhân càng ngày càng ế hàng, có những ngày bác chỉ bán được bốn,
năm con đồ chơi. Một hôm bác bảo tôi:
- Bác sắp về quê đây, cháu có nhớ bác không?
- Có. Nhưng bao giờ bác lại ra?
- Bác về mãi, về làm ruộng ở quê.
- Thế bác không làm đồ chơi nữa à? – Tôi ngơ ngác hỏi bác.
- Có, nếu cháu thích, thỉnh thoảng bác sẽ làm gửi cho cháu. – Thấy tôi cứ
bần thần đứng đó, bác lại nói: – Tuy vậy, tỉnh thoảng bác cũng có thể ra
chơi thăm cháu.
Không muốn để bác biết là mình sắp khóc, tôi gắng tỏ ra bình thản:
- Thế bao giờ bác về?
- Ngày kia.
- Đừng, bác đừng về. Bác ở đây làm đồ chơi bán cho chúng cháu.
- Bác cũng muốn thế lắm chứ, nhưng cháu biết đấy, độ này chả còn mấy
người mua thứ đó nữa.
- Cháu mua.
- Nhưng cháu làm sao mua được tất cả đồ chơi bác làm ra hàng ngày?
- Cháu sẽ rủ các bạn cháu mua.
- Cháu tôi! – Bác cảm động ôm lấy tôi. – Cháu chẳng hiểu gì cả! Cháu
chỉ nên nhớ một điều là bác không muốn xa cháu, xa các bạn nhỏ như cháu,
nhưng hoàn cảnh bác nó thế, cần phải thế. Bác già rồi, không thể sống một
mình được mãi. Hiện bác còn một người cháu ở quê, anh ấy đã có vợ con,
không còn bố mẹ, họ hàng thân thuộc chẳng còn ai nên muốn đón bác về,
trước là chú cháu được gần gũi, sau đó là trông nom gia đình cho anh ấy,
anh ấy bảo chú cũng như cha, anh ấy muốn được trông nom săn sóc bác lúc
tuổi già. Còn một ít bột, màu, bác sẽ nặn và bán nốt trong ngày mai.
- Nếu như bán chưa hết thì ngày kia bác có về không?
- Cũng về. Vì thực ra không phải bác chỉ muốn bán hết hàng mà bác
muốn gặp gỡ các khách hàng nhỏ bé của bác trong ngày mai.
Không nói thêm được gì nữa, tôi chạy vụt về nhà vì rằng nếu đứng đó
thêm, tôi sẽ khóc òa lên mất. Bao nhiêu điều lộn xộn diễn ra trong tôi:
“Những con gà, con vịt, những ông tướng bằng bột màu rực rỡ… Những