câu chuyện mà bác Nhân thường kể cho tôi nghe, rồi điệu hát tuồng hùng
tráng và buồn bã… Ngày mai, chỉ còn ngày mai nữa thôi. Cháu cũng muốn
được thấy bác vui vẻ như những lần bác đắt hàng trở về”. Đêm ấy, tôi
không sao chợp mắt được. Chờ cả nhà ngủ rồi, tôi vùng dậy lấy con lợn đất
của tôi, đập ra và đếm được hơn mười đồng cành cạch. Tôi cất số tiền vào
ngăn cặp sách rồi lại lên giường nằm. Sáng hôm sau đi học, tôi nói với một
số bạn thân cùng lớp đầu đuôi câu chuyện về bác Nhân và tôi muốn các bạn
giúp tôi bằng cách chia món tiền ấy ra mua giúp cho tôi những đồ chơi của
bác. Tôi yêu cầu các bạn giữ bí mật điều này.
Chiều, tôi nôn nóng qua nhà bác chờ “kết quả”. Mãi bác vẫn chưa về!
Cuối cùng tôi trông thấy bác tất tả từ đầu phố, nét mặt rạng rỡ, tay bác cầm
cái sào nứa còn cắm hai con đồ chơi, một con gà và một ông Trương Phi,
vừa trông thấy tôi bác đã nói như reo lên:
- Bác bớt lại hai cái này để làm quà cho cháu. Hôm nay bác bán hết
hàng, giá còn nữa bán cũng hết. Thì ra vẫn còn nhiều bạn nhỏ thích đồ chơi
của bác. Thế mà bác cứ tưởng những đồ chơi nhà quê ấy chẳng còn ai để ý
nữa rồi. Giá mà cháu thấy được những con mắt đen lay láy nhìn theo bàn
tay bác nặn đồ chơi thì cháu mới hiểu được là bác đã vui như thế nào. Có
chú nhóc mua tới ba bốn con nữa kia. Chúng cứ tấm tắc khen là đẹp, là lạ!
Ngày hôm nay thật là kỳ lạ! Khi về quê bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán.
Nghe nói trẻ ở nông thôn còn thích thứ này hơn cả trẻ thành phố…
Rồi bác giả vờ vuốt râu, co chân, theo thế múa tuồng, hát hai câu bác
thường hát:
… Lao xao… a… sóng vỗ ngọn tùng…
Gian nan là nợ a… anh hùng phải vay…
*
* *
Cho mãi tới bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ những con đồ chơi bằng bột màu
rực rỡ và cái điệu hát tuồng hùng tráng và buồn bã ấy.