người thành công thường tự khoe: “Hồi trước tôi làm chủ bút trong một
thời gian”. Sở dĩ vậy là vì nghề của họ đã bắt họ phải luyện trí nhớ.
Tuy vậy, ta cũng phải nhìn nhận rằng nhiều người bẩm sinh có ký tính kỳ
dị. Như em nhỏ Christian Meinecken
ở tại Đức hồi thế kỷ trước, mới
bốn tuổi mà nhớ được cả bộ Thánh kinh, hai trăm bài Thánh ca, năm ngàn
tiếng La Tinh. Đứa nhỏ đã chết sớm. Ông Jeremy Bentham, một triết gia và
bác học Anh, mới ba tuổi mà thuộc nhiều pho sử, lại làm thơ bằng tiếng La
Tinh nữa. Bốn tuổi nói được tiếng Anh, tiếng La Tinh, tiếng Hi Lạp, tiếng
Pháp và chơi đờn vi-ô-lông giỏi, mà ông sống tám mươi bốn tuổi.
Nhưng người có trí nhớ lạ lùng nhất thế giới có lẽ là ông Elijah the Gaon ở
Lithuanie. Ông thuộc lòng được ba ngàn cuốn sách đủ loại, từ Thánh kinh
cho đến pháp điển (code).
Ông Walter Savage Londor cũng có tài “quá mục bất vong”. Những sách
ông đã coi một lần thì nhiều năm sau ông còn nhớ lại đủ, không sai một
tiếng.
Ông Richard Parson ở thế kỷ thứ 18 cũng thuộc hết các sách của Homère,
Horace, Cicéron, Virgile, Live, Shakespeare, Milton và Gibbon.
Trong lịch sử nhân loại, những bộ óc siêu quần ấy nhiều khi rất có ích. Ở
thế kỷ thứ hai, dân tộc Chaldée đốt huỷ hết các Thánh kinh của dân tộc Do
Thái. Nhờ ông Esdras đã dịch những kinh ấy, còn nhớ hết và đọc lại cho
người ta chép, mà bây giờ ta mới được biết biết bộ sách quí giá đó
Có người không thông minh mà cũng có ký tính kỳ dị trong một khu vực
riêng. Người ta kể chuyện một anh coi kho ở sở hoả xa nọ, giữ không biết
bao nhiêu máy móc, bao nhiêu thứ bù loong, đinh ốc, đủ các loại khí cụ
trong sở. Anh ta không biết ký tên, không làm nổi toán cộng, vậy mà, trong
cái kho mênh mông, lộn xộn, đủ thứ của anh, anh chẳng những nhớ hết chỗ