Óc ta tựa một máy chụp hình. Mắt ta tức là kính của máy ảnh. Muốn cho
hình được rõ thì thời gian chụp hình (pose) phải vừa đủ. Thời gian có mau
hay chậm tuỳ từng máy. Chúng ta cũng vậy, có người mau nhớ, có người
chậm nhớ.
Ông Charles William Eliot, nguyên khoa trưởng đại học Harvard thú rằng
hồi mới, ông không sao nhớ được tên những người mới quen, sau ông phải
tập, mỗi lần gặp người lạ, ông nhìn thẳng vào mặt người ấy một hồi lâu cho
tới khi hình ảnh và tên người đó in vào trong óc ông mới thôi. Sau ông nổi
tiếng là bất kỳ ai, ông gặp một lần cũng nhớ được hết.
Ông Robert Louis Stephenson cũng phải dùng cách ấy để học chánh tả và
sau khi luyện tập một ít lâu, ông tấn tới rất mau.
Những danh nhân như Eliot và Stephenson còn phải luyện trí nhớ của họ
như vậy thì thường nhân chúng ta tất nhiên còn phải luyện nhiều hơn nữa.
Bạn có biết một thầy thư ký tại một khách sạn nọ làm cách nào nhớ tên
khách hàng không? Khi một ông khách tới mướn phòng, thầy ta nhận xét
kỹ xem nên lựa phòng hạng nào thì người đó vừa ý. Sau khi hỏi vài câu,
ông khách lựa một phòng. Thầy lấy chìa khoá phòng ở trong hộp đưa cho
khách, trong lúc ấy thầy nhìn hai lần vào số phòng vì số này khắc trên nắp
hộp và trên chìa khoá. Rồi thầy viết tên, địa chỉ, số phòng của ông khách
vào một cuốn sổ, kêu bồi lại bảo: “Dọn phòng 307, để ông Blank nghĩ”.
Khi ông Blank quay đi, thầy lại hỏi: “Thưa ông Blank, buổi sáng ông muốn
chúng tôi đánh thức ông không?”. Nghĩa là trong mấy phút, thầy ta nhận kỹ
nét mặt ông khách, nhìn hai lần vào số phòng, viết tên và số phòng của ông
ấy một lần, sau cùng nói tên ông ấy hai lần. Như vậy làm sao quên được
nữa?