Hồi tôi còn ở trong nghề xuất bản, tôi nhận được rất nhiều thư của các sinh
viên xin việc. Một trăm bức thư thì 99 bức nói: “Từ trước tôi vẫn muốn
được làm một nhà xuất bản và tôi có tài viết văn…”. Tôi liệng những bức
thư ấy vào sọt rác. Tôi không cần biết họ muốn gì, cũng chẳng cần biết họ
viết văn có tài hay không. Tôi chỉ muốn sách của tôi bán được và người
thanh niên nào thông minh có ý gì mới, giúp tôi được về việc ấy thì tôi vui
vẻ nghe người ấy liền.
Không ai nghĩ tới những nỗi lo lắng của bạn đâu, ai cũng chỉ nghĩ tới lợi
của mình thôi. Vậy khi kiếm việc, bạn hãy quên bạn đi, mà xét về những lợi
của người rồi kiếm cách bày tỏ cho người ta thấy rằng những khả năng của
bạn sẽ giúp cho họ được những gì.
Vậy có viết thư xin việc thì bạn đừng bắt đầu như vầy: “Tôi đương ở trong
cảnh túng quẫn, hôm qua đọc báo biết ông cần một chân thư ký, xin ông gia
ơn cho tôi mà nhận tôi vào làm ở chỗ đó”.
Mà cũng đừng viết sau này:
“Công việc ông đương cần rất hợp tài năng của tôi vì tôi đã nhiều năm kinh
nghiệm”.
Vì câu này tuy khá hơn câu trước, nhưng vẫn tỏ ra rằng người viết chỉ nghĩ
tới mình mà không nghĩ tới người đọc.
Muốn viết thư, bạn theo năm lời khuyên sau này:
1. Quên mình và những nỗi kho khăn của mình, chỉ nghĩ tới người ta cần
cái gì và mình có những khả năng gì để giúp người ta được.
2. Trong câu đầu đừng dùng tiếng “tôi” mà dùng tiếng “ông”.