có thể đã lầm mà không hề có ác ý. Nhưng có một chứng cứ hỗ trợ lập luận
của họ, đó là: nếu đầu đạn đã rơi xuống địa cầu, thì nó chỉ có thể rơi xuống ở
toạ độ này mà thôi tức ở hai mươi bảy độ vĩ Bắc – nếu tính đến thời gian và
sự quay của Trái Đất – và giữa bốn mươi mốt và bốn mươi hai độ kinh Tây.
Dầu vậy, toàn thể mọi người ở Câu lực bộ Đại Pháo nhất trí quyết định,
ông Blomsberry anh, ông Bilsby và thiếu tá Elphiston đi ngay đến San
Francisco tìm cách kéo đầu đạn lên khỏi đại dương.
Những con người nhiệt tình này khởi hành ngay không để mất một
khoảng thời gian nào, chuyến xe lửa đi xuyên suốt miền Trung nước Mỹ đã
chở họ đến Saint Louis, nơi đó có sẵn mấy chiếc xe ngựa đưa thư, chờ đón
họ.
Cũng chính lúc đó bộ trưởng hải quân, ông phó chủ tịch Câu lạc bộ Đại
Pháo và ông phó giám đốc đài quan sát nhận bức điện báo khẩn đánh đi từ
San Francisco, ông J.T. Maston xúc động cực độ, dù khẩu đại pháo nổi tiếng
của ông có nổ tan tành cũng không làm cho ông xúc động đến như vậy. Nỗi
xúc động làm ông suýt mất mạng.
Người ta còn nhớ ông thư ký của Câu lạc bộ Đại Pháo đã đi ngay sau
khi đầu đạn được phóng đi – đi hầu như nhanh bằng đầu đạn – để đến
Long’s Peak trên Núi Đá. Nhà bác học J. Belfast, giám đốc Đài quan sát
Cambridge cùng đi với ông. Đến nơi hai người bạn đã ở luôn trên cái đầu
của kính thiên văn khổng lồ và không rời nơi đó nữa.
Người ta biết rằng thiết bị khổng lồ này do những người Anh thiết lập
theo hệ thống những gương phản chiếu gọi là “front view”
. Với cách bố
trí này vật thể bị phản chiếu một lần vì thế sẽ trông rất rõ. Vì lý do đó, khi
quan sát ông J.T. Maston và ông Belfast đứng ở gần phần trên của kính chứ
không phải phần dưới. Họ đi lên đó bằng một chiếc thang quay, một dụng cụ
rất nhẹ nhàng, ở bên dưới họ là một ống kim loại to như cái giếng, ở đấy có
một tấm gương kim loại, ống này sâu hai trăm tám mươi bộ.
Chính cái chỗ đứng chật hẹp ở bên trên kính thiên văn đó là nơi hai nhà
bác học sống, họ nguyền rủa ánh sáng ban ngày không cho họ nhìn thấy Mặt