- Hãy kết liễu đời tôi đi! – Michel đáp.
- Đối với những ký hiệu này – Barbicane nói – có cái thì biết được trị
số, có cái còn phải tính đã.
- Tôi chịu trách nhiệm về những tính toán sau đó cho – Nicholl nói.
- Chúng ta hãy xem r – Barbicane nói tiếp – r là bán kính của Trái Đất,
ở vĩ tuyến Florida, nơi khởi hành, bán kính là sáu triệu ba trăm bảy mươi
ngàn mét, d tức khoảng cách từ tâm của Trái Đất đến tâm của Mặt Trăng, là
năm mươi sáu lần bán kính của Trái Đất, như vậy là…
Nicholl nhanh nhảu tính.
- Như vậy là, ba trăm năm mươi sáu triệu bảy trăm hai mươi ngàn mét,
lúc Mặt Trăng ở điểm cận địa, nghĩa là lúc nó ở gần Trái Đất nhất.
- Tốt, – Barbicane nói – Bây giờ m phẩy trên m tức tỷ lệ khối lượng
Mặt Trăng với khối lượng Trái Đất, bằng một phần tám mươi mốt.
- Rất tốt – Michel nói.
- g trọng lực, ở Florida là chín phẩy tám mươi mốt mét. Như vậy gr
bằng…
- Sáu mươi hai triệu bốn trăm hai mươi sáu ngàn mét vuông – Nicholl
đáp.
- Và bây giờ đến gì nữa? – Michel Ardan hỏi.
- Bây giờ đổi ra số – Barbicane đáp – tôi sẽ tìm vận tốc v số không, tức
vận tốc của vật phóng khi rời tầng khí quyển để đến điểm hấp lực tương ứng
với vận tốc không. Vì lúc đó, vận tốc sẽ là không, nên tôi đặt nó bằng zero
và x, khoảng cách của điểm trung hoà này, sẽ được tính bằng chín phần
mười của d, tức khoảng cách giữa hai tâm.
- Tôi mơ hồ thấy nó phải là như vậy – Michel nói.
- Như vậy tôi sẽ có: x bằng chín phần mười d, và v bằng zero, công
thức sẽ trở thành…
Barbicane viết nhanh lên giấy: