- Ồ! Chỉ một chốc là đủ vứt con Satellite đáng thương này đi thôi –
Michel nói.
- Đồng ý, nhưng chúng ta hãy hành động thật nhanh.
- Còn lý do thứ hai? – Michel hỏi.
- Lý do thứ hai, đó là không nên để hơi lạnh bên ngoài, cái lạnh khủng
khiếp, lọt vào bên trong đầu đạn, nếu không chúng ta sẽ chết cóng đấy.
- Nhưng, Mặt Trời…
- Mặt Trời sưởi ấm đầu đạn của chúng ta khi đầu đạn hút tia sáng của
nó, nhưng nó không sưởi ấm được chân không, nơi chúng ta đang ở lúc này.
Ở đâu không có không khí, sẽ không có sức nóng do ánh sáng toả ra. Chỗ
nào tối tăm, lạnh lẽo là chỗ ấy ánh sáng Mặt Trời không trực tiếp tới được.
Như vậy, nhiệt độ này chỉ là thứ nhiệt độ do tia sáng của các vì sao, nghĩa là
nhiệt độ địa cầu sẽ có nếu một ngày nào đó Mặt Trời tắt đi.
- Chuyện này không đáng sợ – Nicholl đáp.
- Ai biết được? – Michel Ardan nói – Vả lại, dù cho Mặt Trời không tắt
đi nữa thì Trái Đất vẫn có thể xa nó.
- Tốt – Barbicane nói – đó là Michel với những suy nghĩ của anh ấy.
- Này! – Michel lại tiếp – Người ta không biết rằng Trái Đất đã đi
ngang qua cái đuôi của một sao chổi năm 1861 đó sao? Giả sử sức hút của
sao chổi lớn hơn sức hút của Mặt Trời thì quỹ đạo của Trái Đất sẽ đi theo cái
thiên thể lang thang đó, và một khi Trái Đất trở thành vệ tinh của nó, Trái
Đất sẽ bị lôi đi xa đến nỗi những tia sáng của Mặt Trời sẽ không có tác dụng
gì nữa trên bề mặt của nó.
- Chuyện đó quả thật có thể xảy ra – Barbicane đáp – nhưng những hậu
quả của một chuyện xê dịch như vậy không đến nỗi khủng khiếp như anh
tưởng đâu.
- Sao thế?