một nỗi đau, bởi họ quá yêu thương, cả tin, xả thân, vị tha và hy vọng... Cô
hiểu mình đã đi quá xa mục đích chính của công việc cô đang làm. Cô đang
cần có thực tế, cần tiếp cận với một Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng để viết bài
cho số báo sắp tới với chủ đề "Bà mẹ". Cô lặn lội cả mấy trăm cây số, tìm
đến mom sông này gặp bà chỉ có vậy thôi. Vậy mà với sự đa cảm, tò mò
dẫn dắt, cô đã cố tìm hiểu bà mẹ ở những ngóc ngách sâu kín nhất. Trông
thấy cô lúng túng, bà Thiệt cũng tỏ ra độ lượng chuyển hướng. Bà đón ý:
- Cô muốn hỏi thằng Thà nhà tôi hy sinh như thế nào hả?
Cô nhà báo thở phào nhẹ nhõm. "Chà, bà già này cũng đáo để thật,
biết tỏng cả ý nghĩ của mình!". Nhưng liền sau đó cô lặng đi vì đôi mắt dài
dại, xa vắng, buồn thăm thẳm của bà...
*
* *
"Ấy là lúc giặc Pháp quay trở lại. Thằng Thà nhà tôi gia nhập đoàn
quân vệ quốc. Ái chà, lúc ấy đâu còn "hương cả", "hương chủ" nữa mà nhớ
tới chuyện nó là con vô danh hay có danh, nó là con vợ chánh hay vợ thứ,
nó có cha hay bị bỏ rơi... Cái thời ấy, Tổ quốc lâm nguy - nó giải thích vội
vội vàng vàng rồi sầm sập chạy đi cùng chúng bạn. Nó ra đi chỉ mang theo
cái bòng đựng có mấy bộ đồ, nóp với giáo trên lưng. Tôi xúc cho nó cái
ruột tượng gạo. Nó rơm rớm nước mắt nhìn tôi, cất lời an ủi: "Mẹ ở nhà
ráng giữ cái mom sông. Còn mấy bờ mương con chưa kịp bồi, mẹ cứ để đó,
chờ đánh giặc xong con về... ". Vậy là nó đi. Tới chừng giáp trận - ấy là sau
này tôi nghe kể lại - Tiểu đội nó bị bao vây. Cần mở đường máu cho đồng
đội, nó... nghĩ cách cho giặc hướng mũi súng về phía nó. Cô ơi, vào cái
giây phút đó... đâu có người chiến sĩ nào nghĩ mình là con vô danh hay có
danh, khai họ cha hay họ mẹ. Đứng trước mũi súng quân thù, nó là một
người lính. Nó không sợ chết để bảo vệ lá cờ Tổ quốc - cái mà nó đã giải
thích cho tôi: "Là 80 năm đô hộ của bọn thực dân đã bị đổ nhào. Mình đã