từ năm 1965 đến 1975, lúc nào cũng có bộ đội đóng quân, bà không thể
nhớ được tôi là ai cả.
Tôi nhắc lại đầy đủ cả họ và tên của thủ trưởng Hớn, Nguyễn Văn
Hớn người Quảng Bình; thủ trưởng Cư, Hoàng Nghĩa Cư, người Bắc Ninh
và tôi là đồng hương cùng huyện với bà nhưng bà vẫn một mực lắc đầu,
đáp là không thể nhớ được. Cô Na nhắc mẹ:
- Bác Vuông nhớ kỹ thế mà mẹ không nhớ ra à?
Bà Hồng vẫn tiếp tục lắc đầu.
Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy có ảnh cụ Sen và ảnh bác Hựu, con dâu của
cụ, là mẹ đẻ của bà Hồng. Tôi xin phép đến bàn thờ thắp hương cho cụ Sen
và bác Hựu. Bà Hồng đứng ở góc bàn thờ bên trái vái mấy vái tạ lại tôi, sau
khi tôi làm xong việc hiếu. Rồi bà mời khách lại bàn, ngồi uống nước và kể
vắn tắt:
- Bà nội tôi mất cách đây bảy năm, cụ đại thọ chín mươi tư tuổi; sau
đó vài tháng thì mẹ tôi cũng mất. Mẹ tôi chỉ thọ được bảy mươi ba tuổi
thôi. May quá, đời các cụ trước khi chết cũng thấy được trong nhà có người
đàn ông làm trụ cột! - Nói đến đấy, bà Hồng bảo cậu con trai. - Con đi tìm
bố về, tiếp khách.
Cậu thanh niên trẻ chạy vụt ra sân, lấy xe máy phóng như bay ra ngoài
đường. Khi còn lại tôi và hai mẹ con bà Hồng, cô con gái bà cứ nhìn tôi với
vẻ dò hỏi. Bà Hồng tiếp khách không mấy mặn mà, tôi cố gắng gợi vài mốc
lịch sử hồi tôi làm liên lạc như vụ tôi đánh mất quả lựu đạn, vụ thủ trưởng
Hớn chậm phép bị treo quân hàm và chuyển đi làm phụ trách trạm khách
của trung đoàn... nhưng bà Hồng vẫn lắc đầu bảo không nhớ.
Khi cậu thanh niên chở một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi
tuổi về, tôi thấy ở hai bên vai để trần trong cái áo ba lỗ bị rách nhớm một