BẾN ĐỢI - Trang 172

mắc mật. Khẽ vuốt tóc chị, bố bảo: “Cây sả của con, mắc mật của em Páo.
Con lớn hơn ở ngoài”. Cho đến tận bây giờ, bố tôi là người duy nhất “phá”
lệ bản, trồng hai cây như thế. Ở Xín Chải, tục lệ sinh con trai trồng cây bên
trái nhà, sinh con gái trồng cây bên phải. Từ ngoài bờ rào đi vào, nhà nào
đông con nhìn hàng cây thì biết, không cần phải hỏi chủ nhà. Mỗi cây là
một núm nhau của đứa trẻ. Cái cây mang hồn người, đứa trẻ khỏe cái cây
xanh tốt, đứa trẻ ốm yếu cây còi cọc, quặt quẹo, còi cọc. Cây cao sàn sàn
bằng nhau là chủ nhà đẻ dày. Cây lớn vổng lên, đứng bên cây thấp lè tè là
đẻ thưa.

Mế sinh tôi, bố ở nhà tranh thủ lụi hụi sửa chuồng bò, đóng lại cái cần

cối giã gạo ngoài bờ suối. Những ngày bố đi vắng, cần cối gãy chỏng chơ
nằm đấy. Mế không muốn đi giã gạo nhờ, phiền lắm. Mế phải giã bằng tay
cả buổi mới được cối gạo. Chị Ngải ăn cơm là nuốt cả vị mặn mòi mồ hôi
của mế. Nhà vắng đàn ông khổ thế. Việc gì cũng đến tay mế. Trong họ,
ngoài bản có đám, bố không ở nhà thì mế phải đến rồi. Có việc lớn không
được nói, chỉ biết nghe. Đàn bà mà. Khổ nhất là lúc tôi còn ngồi trong bụng
mế. Đám cưới làm dâu, làm rể không sao, nhưng đám khóc đưa người vào
trong lũng mả phải kiêng. Cái ma người chết không cho đàn bà đeo bụng
vào. Biết thế, không đi không được. Thường thì, mế dắt chị Ngải đến cổng
nhà đám, nấp ngoài ngõ để chị Ngải vào cho người chết nhận mặt. Có
người không biết thả lời nói ác: “Không biết ăn ở”. Lời nói khắc chạy vào
tai mế. Đêm, nước mắt mế ướt đằm má chị Ngải. Mế nghĩ nhiều, người gầy
như con ve “tua bua” qua mùa hè, đuôi mắt hằn cộm vết chân chim. Những
chuyện ấy mế không nói mà bố tự biết. Bố chép miệng: “Mọi chuyện rồi
cũng qua ngay thôi”.

*

* *

Chị tôi kể tiếp.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.